Thứ năm 18/04/2024 12:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Năm 2015 - cơ hội tốt để người dân sở hữu ngôi nhà mơ ước

19:00 | 22/02/2015

(Xây dựng) - Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi đề cập đến triển vọng của thị trường BĐS trong năm 2015, cũng như đề cập về cơ hội sở hữu ngôi nhà mơ ước của người dân.

Đây cũng là nội dung chính của chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” đầu tiên trong năm Ất Mùi, được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng tối mùng 4 Tết (ngày 22/2/2015).

PV: Thưa Bộ trưởng, trong năm 2014, nền kinh tế đất nước có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trong đó thị trường BĐS có dấu hiệu ấm lên. Theo nhận định của Bộ trưởng, những chính sách quản lý nhà nước về thị trường BĐS đã phát huy tác dụng như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đúng là thị trường BĐS sau thời gian đóng băng thì đã ấm lên và đang phục hồi rất tích cực. Kết quả này đã khẳng định những quan điểm, nguyên tắc, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã trúng và đang phát huy tác dụng.

Một trong những quan điểm quan trọng nhất, quyết định sự hồi phục của thị trường BĐS chính là gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với việc thực hiện Chiến lược nhà ở Quốc gia.

Chiến lược nhà ở Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011, trong đó yêu cầu phải đảm bảo cải thiện nhà ở cho người dân, bao gồm cả nhà ở cho người giàu và người nghèo.

Chiến lược đó quy định rõ cùng lúc chúng ta vừa phát triển nhà ở thị trường hàng hóa, tức là nhà ở thương mại nhằm thỏa mãn nhu cầu của những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Mặt khác, chúng ta phải phát triển nhà ở thị trường phi hàng hóa, tức là nhà ở xã hội để cải thiện nhà ở cho những người không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.


Nhân đầu năm mới Ất Mùi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chúc mọi người dân sớm biến ước mơ sở hưu ngôi nhà trở thành hiện thực.

Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với việc triển khai Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đồng nghĩa với việc phải cấu trúc lại thị trường BĐS, cấu trúc lại các sản phẩm BĐS để có nhiều loại sản phẩm và phù hợp với nhiều loại đối tượng của thị trường.

Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội là động lực hết sức quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đồng thời tạo cơ hội cho người khó khăn về nhà ở nhưng không có đủ tiền để mua, hoặc thuê mua nhà theo cơ chế thị trường được tiếp cận nhà ở và được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Từ quan điểm đó, một loạt giải pháp được đề ra và đã phát huy tác dụng.

PV: Hiện tại nguồn cung nhà ở xã hội còn khá kiêm tốn. Xin hỏi Bộ trưởng tại sao nguồn cung vẫn còn ít như vậy? Trong thời gian tới có những giải pháp nhằm tăng nguồn cung này lên không?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ người dân để cải thiện nhà ở. Và đây là nhiệm vụ lâu dài.

Trong thời gian qua, nhà ở nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng như Chương trình nhà ở 167 đã cải thiện nhà ở cho trên 500 nghìn hộ nghèo; Chương trình nhà ở tránh lũ vùng ĐBSCL với trên 200 nghìn hộ dân có nhà ở an toàn. Chúng ta cũng đã thực hiện chương trình nhà ở tránh bão lũ ở khu vực vùng duyên hải miền Trung với trên 40 nghìn hộ dân và thực hiện đạt hiệu quả chương trình nhà ở cho người có công với cách mạng. 


Các chương trình phát triển nhà ở ở nông thôn thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Còn tại đô thị, chúng ta chính thức tập trung thực hiện chương trình nhà ở xã hội từ năm 2012, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở Quốc gia. Trong một lúc, chúng ta phải làm nhiều việc, vừa tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung, trong đó có chính sách pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội; vừa thực hiện các chương trình, dự án phát triển nhà ở xã hội.

Hiện tại, chương trình phát triển nhà ở xã hội ở đô thị  đã đạt được những kết quả ban đầu và rất quan trọng. Riêng năm 2014, chúng ta đã cho ra đời 12 nghìn căn hộ nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân về cải thiện nhà ở với giá rẻ, có sự hỗ trợ của nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Từ nay đến năm 2020, cả nước cần khoảng trên 1 triệu căn hộ. Trong khi đó nguồn lực cho phát triển nhà ở, khả năng của DN đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn rất khó khăn.

Phát triển nhà ở xã hội là chương trình lâu dài. Để phát triển nhà ở xã hội rất cần sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan Trung ương mà cần có vai trò đặc biệt quan trọng của địa phương, vai trò của DN và trách nhiệm của người dân cũng như là sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng để tạo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội.

Để đẩy mạnh hơn phát triển nhà ở xã hội, ngày càng có nhiều nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân thì trong thời gian tới, yêu cầu trước hết là chúng ta tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Trong đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2014 cần được cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn, để thực hiện, tạo môi trường huy động các nguồn lực cho phát triển.


Riêng năm 2014, 12 nghìn căn hộ nhà ở xã hội đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân.

Thứ hai, các địa phương cần tiếp tục xây dựng chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội; xây dựng các kế hoạch phát triển hàng năm và coi đây như một chỉ tiêu pháp lệnh của nhiệm vụ kế hoạch trung hạn cũng như hàng năm ở mỗi địa phương.

Thứ 3, các địa phương tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, tạo những điều kiện tốt nhất để các DN tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp để các DN và người dân được tiếp cận. Có nhiều sản phẩm nhà ở xã hội, người dân sẽ được mua, cải thiện điều kiện nhà ở cho gia đình họ.

PV: Với những dấu hiệu khởi sắc lên của thị trường BĐS trong năm 2015, các ngân hàng cũng đã mở rộng cửa cho vay đối với người dân muốn mua nhà. Vậy đây đã phải là thời điểm tốt để người dân tiến dần đến ước mơ sở hữu một ngôi nhà hay chưa, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thị trường BĐS đã hồi phục. Nguồn cung nhà ở ngày càng nhiều hơn. Giá cả nhà ở cũng ổn định hơn. Đặc biệt nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh với sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây cũng là cơ hội để người dân biến ước mơ sở hữu ngôi nhà trở thành hiện thực.

PV: Xin cám ơn Bộ trưởng!

Chú trọng quy hoạch theo vùng lãnh thổ

Cũng tại chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” đầu tiên của năm Ất Mùi, đề cập đến chính sách phát triển đô thị đang được thực hiện như thế nào và thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: Quá trình CNH, dịch vụ hóa tạo ra quá trình đô thị hóa rất nhanh ở Việt Nam trong những năm qua. Hiện nay, đô thị Việt Nam có bước phát triển rất mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng và chất lượng đô thị.

Cả nước hiện có trên 770 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa đô thị là 34,5%. Dân số đô thị khoảng 31 triệu người. Mỗi năm dân số đô thị tăng thêm khoảng 1 triệu người. Đô thị có bộ mặt ngày càng khang trang hơn, ngày càng khẳng định vai trò động lực phát triển, là đầu tàu của tăng trưởng. Kinh tế của đô thị chiếm trên 70% tổng giá trị kinh tế của cả đất nước. Đô thị thực sự là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của mỗi vùng, mỗi miền, mỗi địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, nhìn lại, chúng ta thấy những thách thức trong phát triển đô thị còn rất lớn. Hiện nay quá trình phát triển các đô thị còn chưa hợp lý về cơ cấu và trống vắng hạ tầng ở các đô thị nhỏ, do đó dẫn tới xu hướng người dân di chuyển vào các đô thị lớn để tìm kiếm việc làm, tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng như giao thông, giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh, nhà ở…

Mặt khác, những thách thức như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông ở đô thị, biến đổi khí hậu… cũng đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để khắc phục được những thách thức này, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp. Trước hết cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về quản lý phát triển đô thị, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát quá trình phát triển đô thị không chỉ theo quy hoạch mà còn phải theo kế hoạch.

Thứ hai, phải kiên trì thực hiện Chiến lược phát triển đô thị.

Thứ ba, phải đổi mới công tác quy hoạch. Thay vì các quy hoạch chỉ nằm gọn và bị chia cắt bởi địa giới hành chính thì nay chúng ta phải quy hoạch theo vùng lãnh thổ, vùng đô thị, đặc biệt là vùng các đô thị, thành phố lớn, để kết nối hệ thống hạ tầng đồng bộ và phân bổ các công trình đầu mối một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, chúng ta cần khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, các nguồn lực của cả khu vực, làm thế nào vừa giảm áp lực cho đô thị trung tâm nhưng đồng thời tạo cơ hội cho các đô thị vệ tinh phát triển.

Các đô thị vệ tinh sẽ  giữ lại những người dân ở đó. Họ có đủ việc làm, có đủ các dịch vụ tốt và sống trong điều kiện tốt hơn. Như vậy sẽ giảm được áp lực cho các đô thị lớn.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là chúng ta cần thực hiện kiểm soát phát triển đô thị. Mỗi địa phương phải xây dựng các chương trình phát triển đô thị; xây dựng kế hoạch để đầu tư phát triển đô thị. Các địa phương cần ăn cứ vào nguồn lực của từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch đó, khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát, phong trào, thiếu nguồn lực thực hiện, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đô thị cũng như thị trường BĐS như trong thời gian vừa qua.

Một nhiệm vụ nữa là cần tập trung chỉnh trang, cải tạo các khu đô thị cũ, bảo đảm đô thị chất lượng hơn, giữ gìn bản sắc của mỗi đô thị. Cùng với đó, chúng ta có các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển đô thị…

Nếu làm được như vậy thì chắc chắn đô thị Việt Nam sẽ ngày càng có chất lượng hơn, không chỉ là động lực phát triển mà còn góp phần cho người dân sống trong mỗi đô thị được hạnh phúc hơn.

 

 

Quý Anh (ghi)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load