Thứ tư 24/04/2024 01:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mùa Xuân ở nơi “bao nhiêu là chuyện lạ”

08:13 | 07/02/2019

(Xây dựng) - Kẻ Gỗ trong những ngày đầu xuân thật tĩnh lặng. Những ngày phá đá, đào sỏi gian khó để đưa nước ngọt về xuôi năm nào đã chìm khuất trong muôn lớp sóng đang lên xanh như ngọc phỉ thúy kia. Trong không khí ấm áp của mùa Xuân, đi giữa dòng người lặng lẽ về viếng thăm đền thờ Lê Duẩn, tâm tư tôi lại trôi về miền ký ức hào sảng của ông cha một thời…

Khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976, hồ Kẻ Gỗ là công trình đại thủy nông của hàng vạn người dân tỉnh Nghệ Tĩnh. “Bao nhiêu là chuyện lạ” đã được viết nên bằng bàn tay, khối óc của con người. Đây là một kỳ tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ đã giúp hồi sinh những mảnh đất khô cằn, làm thay đổi diện mạo những làng quê nghèo.

Bây giờ, Kẻ Gỗ là nơi chốn đi về của người Hà Tĩnh và du khách thập phương. Có thể trên những con đường dẫn về Kẻ Gỗ, dấu tích những năm tháng gian khó, hào hùng xưa đã phai nhòa nhưng lịch sử quê hương vẫn còn khắc đậm. Nơi ấy, hàng vạn người đã đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ để xẻ núi, ngăn sông, chinh phục thiên nhiên, biến vùng đá bạc thành “biển Tây” mênh mông với lưu vực 223km2.

Với dung tích 345 triệu m3, hàng năm, nước từ hồ theo các tuyến kênh chính tưới tắm cho hơn 21.000ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Hồ Kẻ Gỗ còn là nơi cung cấp nước tưới cho công nghiệp, điều tiết lũ, chống xói mòn, ngập úng cho vùng hạ du, góp phần xây dựng môi trường sinh thái một cách bền vững. Cuộc sống đói nghèo của hàng vạn dân cư đã đổi thay từ nguồn nước mát ngọt ấy. 

Hữu duyên thế nào mà đúng trong lần trở lại này, tôi đã may mắn được gặp ông Đào Văn Tinh (nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Tĩnh) khi ông đang dẫn đoàn Cựu TNXP tỉnh Nghệ An lên tham quan Kẻ Gỗ. Hơn 40 năm đã trôi qua, chừng ấy thời gian ông không nhớ nổi mình đã trở lại đây bao nhiêu lần. Và lần nào cũng thế, ký ức về những ngày xây dựng hồ Kẻ Gỗ vẫn trở về vẹn nguyên, đẹp đẽ. Đó là quãng đời trai trẻ đầy ý nghĩa của cuộc đời ông. 

Ông Tinh nhớ lại: “Ban đầu, kế hoạch xây dựng hồ Kẻ Gỗ diễn ra trong 10 năm, sau rút xuống còn 6 năm, rồi 3 năm. Để đáp ứng yêu cầu thời gian, nhà chức trách phải đưa những cỗ máy nặng ba bốn chục tấn vào công trường, xây dựng 3 vạn m2 nhà ở cho công nhân, huy động một vạn mét khối sỏi trong quý I năm 1976 phục vụ xây lắp. Trên công trường thuở ấy, thường xuyên có 10 nghìn đội viên thủy lợi, hàng chục nghìn lượt người huy động đột xuất từ các hợp tác xã, khu phố, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, quân đội…”.

Công trường Kẻ Gỗ được xây dựng giữa lúc vật tư, nhiên liệu, lương thực khó khăn nhưng không hề khiến lòng người nao núng. Ngược lại, tất cả đều đồng lòng, dốc sức, tập trung nguồn lực cho Kẻ Gỗ. Trong vai trò là Giám đốc Sở Thủy lợi Hà Tĩnh, để có thép CT5 cho công trường, ông Tinh đã huy động tất cả các nguồn lực tập trung cho Kẻ Gỗ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng giảm bớt các nhu cầu khác để “chi viện” cho Kẻ Gỗ. Cty vật tư kỹ thuật phải bỏ tiền thuê máy móc, có thời điểm thiếu xăng dầu, ngành Ngoại thương phải mở chiến dịch thu mua nông sản để đổi sắt thép cho công trường, Tỉnh ủy hoãn việc xây dựng một số công trình chưa cần để dành xi măng cho Kẻ Gỗ…


Nhân dân Hà Tĩnh đã thể hiện tấm lòng thành kính của mình với Tổng Bí thư Lê Duẩn bằng việc xây đền rồi xây cầu ra đảo để khách thập phương đến thăm viếng, tri ân.

Ông Đào Văn Tinh chia sẻ thêm: “Hạng mục quan trọng và khó nhất là thi công đập tràn hồ Kẻ Gỗ. Ban quản lý đưa ra giải pháp táo bạo là huy động thợ đào giếng trong toàn tỉnh để thi công gần 300 giếng đổ cọc. Cứ 10 thợ đào giếng một hố cọc, 100 người được 10 hố, 1.000 người được 100 hố... Họ đào ngày đêm bằng xẻng, xà beng, búa và ròng rọc. Để đảm bảo công trình đạt tiến độ trong ba năm, việc huy động nhân lực tính theo từng địa phương, từng hợp tác xã (HTX). Mỗi thanh niên tham gia đóng góp ít nhất 30 ngày công trong một năm”.

Bây giờ, những câu chuyện thời ấy vẫn còn lưu lại trong những trang sách. Lao động ở hồ Kẻ Gỗ chủ yếu là thanh niên, ngoài ra còn nhiều thành phần khác, không kể gái trai, già hay trẻ. Hầu hết đều ở trong tổ chức Đảng hoặc Đoàn, sinh hoạt ở một đội ít thì khoảng 80 - 90 người, nhiều thì khoảng 140 - 150 người. Để quản lý dân công và hoạt động, một xã trung bình sẽ tổ chức thành hai HTX. Ví dụ cụ thể, ở xã Cẩm Yên có hai HTX là Tiền Phong và Cầu Thắng. Mỗi HTX như vậy có ít nhất 40 người, nhiều nhất là 120 người, có một đội trưởng và một đội phó.

Khi phát động chiến dịch xây hồ Kẻ Gỗ, hơn chục hộ dân sinh sống dọc theo con sông nhỏ của hồ Kẻ Gỗ đã tự nguyện rời bỏ nơi “an cư” để hiến đất xây dựng đại công trình thế kỷ. May mắn cho tôi khi được gặp cụ Đặng Kim Thư (93 tuổi), người đã “bỏ cả cơ ngơi” khang trang giữa lòng hồ Kẻ Gỗ để bắt đầu một cuộc di cư mới đầy khó khăn, vất vả. Trong ánh mắt trắng đục, già nua của cụ vẫn ánh lên niềm tự hào, khảng khái khi nhắc đến việc hiến đất xây hồ Kẻ Gỗ: “Nếu có lợi cho dân, chúng tôi sẵn sàng hiến tài sản gây dựng bao nhiêu năm cho Nhà nước mà không hề suy tính thiệt hơn. Thời kỳ ấy, những câu nói “truyền lửa” của ông Trương Kiện - Bí thư tỉnh Nghệ Tĩnh như làn sóng tinh thần kêu gọi sự ủng hộ của toàn thể nhân dân xây dựng hồ. Những câu như “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” của vị Bí thư tỉnh đã ăn sâu vào tiềm thức của ông cũng như bao nhiêu người dân ở thời điểm đó. Thế hệ những người đã từng hiến đất làm hồ Kẻ Gỗ có người đã đi xa, có người còn ở lại nhưng tôi tin rằng trong ký ức của họ vẫn ghi dấu một nếp nhà, một mảnh vườn gọi về nhiều thương nhớ.

Hồ Kẻ Gỗ là biểu tượng rực rỡ về tinh thần làm chủ tập thể, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân Hà Tĩnh. Ngọn lửa ấy đã được Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn thắp sáng. Nơi đây không chỉ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết “xóa đói giảm nghèo” của người dân Hà Tĩnh mà còn là nơi ghi dấu bước chân của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trên một hòn đảo nhỏ, cách bờ chưa đầy 1km. Nhân dân Hà Tĩnh đã thể hiện tấm lòng thành kính của mình với Tổng Bí thư Lê Duẩn bằng việc xây đền rồi xây cầu ra đảo để khách thập phương đến thăm viếng, tri ân.

Đã hơn 40 năm từ ngày khởi công xây dựng, công trình lịch sử Kẻ Gỗ đã làm nên sự đổi thay thực sự cho quê hương Hà Tĩnh. Trong thư gửi Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn viết rằng: “Hệ thống công trình thủy nông Kẻ Gỗ đã không ngừng phát huy tác dụng, đưa nguồn nước ngọt của hồ Kẻ Gỗ tưới cho hàng vạn héc-ta lúa, nuôi trồng thủy sản, giảm lũ vùng hạ du, góp phần đảm bảo môi trường, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân, các tổ chức kinh tế của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh nâng cao đời sống, góp phần quan trọng vào thành công chương trình quốc gia xây dựng NTM”. Bức thư này, chính là bản ghi nhớ để minh chứng cho kỳ tích đại thủy nông Kẻ Gỗ trong 4 thập kỷ qua.

Mùa Xuân đang trở về trên khắp quê hương. Mỗi nơi có một cách đón chào mùa Xuân rất riêng. Và có lẽ, cách của hồ Kẻ Gỗ là cứ biếc xanh lên đầy tha thiết. Trong thẳm xanh ấy, trong mênh mông hồ ấy, tôi như còn nghe rõ đâu đó “vang vang lời trống giục”, vẫn như còn nghe rõ tiếng anh phá đá, tiếng chị đào sỏi… Để hôm nay, từ bao la Kẻ Gỗ, hướng mắt về xuôi, ta có thể thấy được sự trù phú của thôn làng, sự đổi thay của đời sống...

Tuyết Mây

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load