Thứ ba 16/04/2024 23:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài

10:51 | 26/06/2019

(Xây dựng) – Phúc đáp văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5/10/2018 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài.

Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án TP Cao Lãnh. (Nguồn: Internet)

Qua rà soát giai đoạn 2011 - 2016, Bộ Xây dựng không quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài như đã nêu tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5/10/2018, Bộ Xây dựng chỉ là cơ quan điều phối thực hiện, kiểm soát và giám sát chất lượng dự án, các địa phương vay và ký trực tiếp với nhà tài trợ. Cụ thể như sau:

Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB): Bộ Xây dựng điều phối và chủ dự án là UBND các thành phố/thị xã: Bắc Kạn Cao Bằng, Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang Yên Bái.

Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB): Bộ Xây dựng là chủ dự án thành phần hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Xây dựng thực hiện Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia và điều phối thực hiện Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long; các thành phố tham gia trong dự án gồm : TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương; TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau); TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp); TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang); TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang); TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh).

Với vai trò điều phối, Bộ Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc các địa phương triển khai đúng tiến độ, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khắc phục tình trạng thiếu vốn đối ứng ảnh hưởng đến tiến độ dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài. Qua báo cáo tổng hợp, hàng năm tiến độ các dự án đều đạt trên 80% so với kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài do Bộ Xây dựng điều phối đã đạt được những kết quả tích cực, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của ngành Xây dựng; theo đúng định hướng thu hút và sử dụng ODA của Chính phủ; đảm bảo tính đồng bộ, sức lan tỏa, kết nối vùng, miền để phát huy tối đa hiệu quả và tính bền vững của các chương trình, dự án; đội ngũ cán bộ quản lý dự án, tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện các chương trình, dự án có năng lực và chuyên nghiệp. 

Dự án trong lĩnh vực đô thị góp phần quan trọng trong việc đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và tạo công bằng xã hội. Dự án trong lĩnh vực cấp thoát nước cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như ưu tiên của các nhà tài trợ. Các dự án nâng cao năng lực và tăng cường thể chế từng bước cải thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng, đáp ứng nhu cầu hội nhập và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Các dự án đã phần nào góp phần nâng cao năng lực và tăng cường thể chế từng bước cải thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng, đáp ứng nhu cầu hội nhập và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành các Quyết định số 701/QĐ-BXD ngày 29/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Chương trình hành động công tác thông tin đối ngoại Bộ Xây dựng giai đoạn 2013 - 2020; 149/QĐ-BXD ngày 8/3/2019 quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Xây dựng… Tuy nhiên, việc quản lý các chương trình, dự án, phi dự án có sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực pháp luật hiện nay còn phụ thuộc vào sự chủ động của các cơ quan tổ chức tiếp nhận ODA. Bộ Xây dựng chưa có cơ chế thu thập thông tin về các chương trình, dự án có nội dung về hợp tác pháp luật. Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp, chia sẻ thông tin trong quá trình xây dựng, phê duyệt và thực hiện các chương trình, dự án có nội dung hợp tác pháp luật.

Cần phân cấp trong việc ra quyết định ở các khâu đề xuất, chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn, chuẩn bị thực hiện dự án, bố trí vốn đối ứng, điều chỉnh nội dung dự án, sử dụng vốn dư, sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, thỏa thuận về ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, phê duyệt khung chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư. Hiện nay, các dự án nếu có điều chỉnh, kể cả nội dung điều chỉnh đơn giản về mặt thời gian nếu trên 6 tháng phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến… dẫn đến dự án đã chậm lại càng chậm hơn, có trường hợp chưa sử dụng hết vốn ODA theo các chương trình, dự án đã được nhà tài trợ cam kết hỗ trợ cho Việt Nam.

Về khu vực tư nhân tiếp cận ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, PPP sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Cần có quy định rõ ràng về điều kiện để khu vực tư nhân có thể tiếp cận ODA. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa được tiếp cận ODA thông qua cơ quan chủ quản (Bộ/ngành hoặc UBND tỉnh) nhưng sau khi cổ phần hóa thì không thể tiếp cận ODA do không đáp ứng các quy định của nhà tài trợ cũng như của Việt Nam.

Đề nghị xem xét, bổ sung thêm lĩnh vực ưu tiên gồm các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh và đô thị thông minh.

Hệ thống chính sách và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ODA hiện nay về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là từ khi Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ban hành.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều dự án đầu tư bị đội vốn hay có sự ràng buộc về công nghệ với nhà tài trợ nhưng chất lượng công nghệ chưa đảm bảo, đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Do vậy, đề nghị bổ sung nội dung tổng hợp, đánh giá, phân tích nguyên nhân của các dự án này để rút ra bài học kinh nghiệm làm cơ sở xây dựng tiêu chí, định hướng về lĩnh vực, nhận diện rõ nhà tài trợ… cho các dự án, chương trình trong thời gian tới.

Huyền Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load