Thứ năm 18/04/2024 14:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mẫu nhà đa năng PT19: Thêm lựa chọn cho mô hình du lịch homestay và công trình tránh lũ tại Quảng Bình

14:45 | 25/06/2019

(Xây dựng) - Sở hữu một căn nhà thông minh, đa năng, dễ di chuyển và thân thiện với môi trường là ý tưởng của nhiều người. Thế nhưng với những nơi hạn chế về diện tích, hay những ai cần dành nhiều thời gian cho công việc cả trên mặt đất và trên mặt nước sẽ rất phù hợp khi ứng dụng mẫu nhà đa năng PT19 của kỹ sư Đặng Thanh Dệ.

Nhà đa năng PT19 dành cho du lịch homestay và công trình tránh lũ.

Một căn nhà thiết kế thú vị

Mẫu nhà đa năng PT19 đầy tiện lợi này là một thiết kế hợp lý cho ngôi nhà hạn hẹp về diện tích, phục vụ loại hình du lịch homestay, trạm kiểm lâm, trạm trực quân sự và trên hết là nhà tránh lũ… Ưu việt của mô hình nhà này là tính di động, có thể di chuyển đến các địa hình khác nhau, ổn định trên cả đất liền và mặt nước. Nhờ vậy, nhà đa năng sẽ đóng vai trò của nhiều không gian chức năng như: Phòng làm việc, nghiên cứu; phòng khách, phòng sinh hoạt chung; phòng học tập, vui chơi sáng tạo của trẻ em; nhà kho, nơi trú ẩn của các hộ dân vùng sông nước, lũ lụt. Đồng thời, đây sẽ là lán trại công trường và bệnh viện dã chiến.

Kỹ sư Đặng Thanh Dệ từng chia sẻ: “Khởi phát sáng tạo công trình này xuất phát từ việc chúng tôi nhận thấy vào mùa mưa lũ, nhiều nhà dân ở một số huyện lỵ trong tỉnh bị cô lập và nhấn chìm, các hộ dân phải gồng mình tìm nơi tránh lũ, chật vật cất trữ tài sản, lương thực. Nếu có một căn nhà nổi trên nước, các hộ dân sẽ an toàn và an tâm hơn. Cùng đó, trong phát triển du lịch sinh thái tại Quảng Bình, chủ yếu nhà đầu tư tập trung vào các công trình nhà bê-tông cốt thép, vẫn chưa ứng dụng tập trung vào loại hình nhà nổi đa năng, bồng bềnh trên mặt sông hay ổn định tại vùng đồi núi”.

Từ đó, sau nhiều tháng tập trung đầu tư, phác họa ý tưởng, ông đã cho ra đời sản phẩm nhà đa năng PT19, là mẫu nhà thông minh, thích ứng nhiều địa hình, có thể chống chịu được thời tiết và thiên nhiên.

Cụ thể, nhà đa năng PT19 có diện tích sàn 12m2, tổng trọng lượng 1.600kg; đế nhà 17,5m2 kết cấu khung sàn được lắp đặt trên hệ thống 14 thùng phuy nhựa loại 200 lít. Mái và thân nhà có 04 lớp, theo thứ tự gồm gỗ - xốp và sắt hộp - tôn và tranh lá, trên lý thuyết khâu cách nhiệt, cách âm đảm bảo. Mái lá có thể nâng hạ được nên lấy được gió tự nhiên và làm cho nhà mát hơn.

Về bài trí nội thất, tất cả vỏn vẹn trong không gian 12m2 nhưng là một không gian cân đối, trẻ trung, sôi nổi với bàn, ghế sô-pha, giường ngủ và tủ được thiết kế tích hợp 3 trong 1, dễ dàng sắp xếp. Các công trình phụ trợ kèm theo gồm góc bếp, bồn rửa tay, phòng tắm, nhà vệ sinh khép kín.

Cùng đó, các vật dụng cần thiết khác như điện chiếu sáng, truyền hình, tủ lạnh, quạt điện, điều hòa nhiệt độ đã được trang bị. Nguồn năng lượng để cung cấp cho các thiết bị điện này được tạo ra chủ yếu từ hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp áp mái. Vật liệu chủ yếu cấu thành nên thân nhà từ gỗ thông, tre nứa, đã xử lý qua hóa chất…

Hơn nữa, căn nhà này được cấu thành trên mô hình lắp ghép dạng modun, khi muốn di chuyển, chủ sở hữu cần gắn thêm các bánh lốp để dẫn động, lực kéo được cung cấp từ xe ôtô.

Thêm lựa chọn cho công trình tránh lũ

Được biết, trên cơ sở thiết kế của mẫu nhà đa năng PT19 cho thấy hiệu quả và sự quan tâm của người tiêu dùng, kỹ sư Đặng Thanh Dệ đã nghiên cứu để tạo ra nhà đa năng PT20, một biến thể của nhà đa năng nói trên. Theo đó, mẫu nhà đa năng PT20 sử dụng pin năng lượng mặt trời 100%. Áp dụng hệ thống phao nổi nguyên khối thay cho hệ thống 14 thùng phuy nhựa, không bơm nước vào hệ thống phao khi đặt nhà trên song hồ; ngược lại, khi để nhà trên địa hình đất liền, phải bơm đầy nước vào hệ thống phao nhằm tạo sự ổn định.

Với hiệu quả đáng ghi nhận mà nhà đa năng PT19 mang lại, công tác du lịch sinh thái hay phục vụ nghiên cứu khoa học, các trạm làm việc của lực lượng kiểm lâm, bộ đội sẽ có nhiều điểm mới. Bên cạnh đó, sự lựa chọn công trình tránh lũ của các hộ dân vùng ngập lụt đã nhiều hơn. Ngoài việc xây nhà kiên cố nhiều tầng; xây chòi tránh lũ trên nguyên tắc hệ thống vận thăng cột thì việc ứng dụng mô hình nhà đa năng PT19 tại các vùng rốn lũ sẽ là điều cần thiết. Để từ đó, có kết quả để đánh giá tính ưu việt của công trình, bổ sung những điểm còn thiếu.

Nhà phao trong thực tế mưa lũ tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho thấy: Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung đã cho thấy được hiệu quả. Tuy nhiên tại một số khu vực ngập lụt từ 4 - 14m thì không có chòi tránh lũ cố định nào đủ sức chống chọi nổi. Vì vậy, phương án sử dụng nhà phao để tránh lũ được Sở Xây dựng Quảng Bình ghi nhận vào Đề án 48 từ cuối năm 2015. Khi người dân miền Trung chật vật với mưa lũ thì đề án nhà tránh lũ mới nhận được sự chú ý của nhiều cá nhân và tổ chức. Có những cách làm mới, sáng tạo để phù hợp hơn với địa hình thấp trũng đã tạo ra hướng đi mới cho nhà tránh lũ. Làm nhà phao hay nhà bè để trụ lại với con nước dữ là một cách làm sáng tạo của người dân vùng lũ xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) để sinh tồn với tình trạng mưa lũ. Trong mưa lũ, tại đây nước dâng nhanh gây ngập từ 3-4m, thậm chí có nơi ngập đến 6-7m, nhà cửa chìm trong nước, tài sản, lương thực, hoa màu bị cuốn trôi.

Qua tìm hiểu, mô hình nhà phao có nguyên lý hoạt động như hệ thống vận thăng cột. Trong điều kiện bình thường, hệ thống phao nổi sẽ nằm ổn định trên móng nhà bằng bê-tông được xây dựng trước đó. Trong mưa lũ, khi nước dâng lên thì hệ thống phao cũng nổi lên, đưa căn nhà lên cao. 4 trụ neo ở phía ngoài sẽ dẫn hướng căn nhà nổi lên theo phương thẳng đứng hoặc gần thẳng đứng.

Với mô hình nhà đa năng PT19, điểm mới của loại nhà này so với nhà phao đang được sử dụng là tính cơ động, không nhất thiết phải gắn chặt trên móng nhà bằng bê-tông cốt thép và không còn sự có mặt của 4 trụ neo ở 4 phía giữ nhiệm vụ dẫn hướng căn nhà nổi lên. Kết cấu đơn giản nhưng linh hoạt, đảm bảo không gian sống cho một gia đình từ 6 đến 10 người, phù hợp với thực tế mưa lũ dài ngày.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load