Thứ sáu 19/04/2024 09:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Luật Xây dựng cần sửa đổi những vấn đề gì?

18:15 | 13/12/2019

(Xây dựng) - Qua nghiên cứu Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2019 và một số luật khác, chúng tôi thấy cần phải sửa đổi một số vấn đề tại Luật Xây dựng năm 2014 để phù hợp với các luật khác.

luat xay dung can sua doi nhung van de gi
Cải tạo những bãi sình lầy ven biển thành hạ tầng đô thị tại thành phố Hạ Long.

1. Về từ ngữ sử dụng trong Luật Xây dựng 2014: Trong Luật Xây dựng 2014 có sử dụng thuật ngữ “vốn Nhà nước ngoài ngân sách”, thuật ngữ này gây ra sự khó hiểu, không phù hợp với thuật ngữ ở các luật như đã nêu trên. Vì vậy, nên bỏ thuật ngữ “vốn ngoài ngân sách Nhà nước”.

2. Theo Luật Xây dựng 2014, công trình được xác định theo từng loại công trình, căn cứ 6 tiêu chí gồm quy mô, mục đích, tầm quan trọng, thời hạn sử dụng, vật liệu sử dụng. Các tiêu chí này không cụ thể dẫn đến rất khó khăn trong việc phân cấp công trình. Theo chúng tôi trước hết phải phân loại công trình như:

- Công trình dân dụng công nghiệp

- Công trình giao thông

- Công trình thủy lợi

- Công trình năng lượng…

Với các loại công trình này, luật sẽ quy định cụ thể các loại công trình trong nhóm công trình được phân loại. Ví dụ, công trình giao thông, phân cụ thể thêm công trình cầu, công trình đường giao thông… và việc phân loại, phân cấp công trình sẽ giao cho các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện phân loại và phân cấp, như vậy nó sẽ thực tế và cụ thể.

Ví dụ như Bộ Xây dựng có trách nhiệm phân loại và phân cấp công trình dân dụng và công nghiệp theo các cấp: Cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cấp 4…

Tiêu chí phân cấp là:

Tuổi thọ công trình: Nhà thiết kế khi thiết kế bắt buộc phải ghi rõ tuổi thọ công trình là bao nhiêu năm để tương ứng với cấp công trình.

Loại vật liệu sử dụng: Là một yếu tố để xác định cấp công trình.

Chiều cao của công trình: Cũng phải xem là một yếu tố để xác định cấp công trình.

Có thể nghiên cứu thêm về bậc chịu lửa của công trình để xác định cấp công trình. Đây là vấn đề cần thiết mà trước đây ta đã làm.

Không nên đưa các tiêu chí quy mô, mục đích, tầm quan trọng vì đây là những vấn đề chung chung, không mang yếu tố kỹ thuật và khó thực hiện.

3. Về thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng

Do phân cấp công trình vì vậy Luật Xây dựng cũng như các nghị định hướng dẫn đã quy định phân cấp thẩm định, ví dụ như Bộ Xây dựng thẩm định cấp công trình đặc biệt cấp 1, Sở Xây dựng thẩm định các công trình còn lại... việc phân cấp này chỉ phù hợp với những công trình xây dựng riêng lẻ, nhưng trong trường hợp công trình đó nằm trong một dự án nhóm A, B, C trong một tổng thể các công trình, đặc biệt là một khu đô thị thì việc phân cấp thẩm định này không phù hợp.

Ví dụ, khi thẩm định một công trình cấp đặc biệt hoặc cấp 1, Bộ Xây dựng chỉ thẩm định công trình đó, còn về tổng thể theo quy hoạch được duyệt, đặc biệt là hệ thống hạ tầng như giao thông, thoát nước… thì không thẩm định. Điều này đã gây ra tình trạng nhiều khu đô thị mới xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nó là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt thành phố.

Như vậy, cần phải quy định rõ: Nếu công trình đó là độc lập thì phân cấp như Luật Xây dựng hiện nay là phù hợp, trong trường hợp nó là khu đô thị thì cần nghiên cứu việc phân cấp thẩm định theo quy mô dân số và diện tích (ha) để thẩm định đồng bộ.

Vấn đề thẩm định đối với các khu đô thị thì thẩm định theo quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế sơ bộ với các công trình xây dựng trong khu đô thị.

Đối với các công trình độc lập, cần xem lại việc quy định cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình như quy định hiện nay có phù hợp không? Đặc biệt trong điều kiện các cơ quan quản lý Nhà nước đang giảm biên chế. Mặt khác, chế tài đối với cá nhân thẩm định quy định chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao, cần phải quy định chặt chẽ chế tài này đối với cá nhân thẩm định, kể cả cá nhân thẩm tra đối với công trình xây dựng để tăng thêm chất lượng công trình. Trên thực tế, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nên thẩm định thiết kế cơ sở là phù hợp.

4. Về quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng

Điều 62, Luật Xây dựng quy định 5 hình thức quản lý đầu tư xây dựng. Trên thực tế, các cơ quan, các chủ đầu tư, đặc biệt là UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện rất lúng túng khi thực hiện các quy định này, đặc biệt đối với các nguồn vốn đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước. Chúng tôi cho rằng nên quy định một số vấn đề như sau:

- Giao cho người quyết định đầu tư thành lập Ban Quản lý dự án hoặc tự thực hiện dự án tùy theo quy mô dự án và cấp công trình.

- Ở mỗi tỉnh, mỗi huyện chỉ cần 1 Ban Quản lý dự án tập trung để đầu tư xây dựng nhiều loại công trình do nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư. Làm việc này sẽ giải quyết được lực lượng cán bộ đủ mạnh để thực hiện quản lý dự án, đặc biệt đối với các tỉnh đồng bằng và miền núi xa xôi đang thiếu cán bộ.

- Đối với các tập đoàn Nhà nước đầu tư xây dựng thì tập đoàn có thể thành lập Ban Quản lý dự án hoặc tự thực hiện nếu đủ điều kiện năng lực, hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.

- Tư vấn quản lý dự án: Đối với dạng này nên khuyến khích các tổ chức tư vấn dự án ra đời để thực hiện đáp ứng yêu cầu của xã hội kể cả đối với việc quản lý dự án của các doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề ở đây là phải phân loại các tổ chức tư vấn theo trình độ (bằng cấp phù hợp), kinh nghiệm (thời gian công tác, những công trình cá nhân đã thiết kế hoặc đã quản lý dự án tương tự).

Ví dụ như việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sau khi đưa ra Quốc hội, Quốc hội đã giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện. Trong trường hợp này thì việc quản lý dự án thực hiện thế nào? Theo Khoản 2, Điều 62 Luật Xây dựng quy định: “Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án áp dụng đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; có áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật Nhà nước”. Trong khi điều này quy định “Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án, người quyết định đầu tư, quyết định áp dụng 1 trong các hình thức tổ chức quản lý dự án sau”.

Nếu theo 5 hình thức quản lý dự án quy định tại Điều 62 thì hình thức quản lý dự án sân bay Long Thành chỉ đúng với Khoản 2, Điều 62. Như vậy, nếu Chính phủ giao cho doanh nghiệp cổ phần làm chủ đầu tư, thì dự án này sẽ thực hiện theo hình thức quản lý dự án nào? Dù đối chiếu với khoản nào thì việc giao này cũng sẽ bị ách tắc bởi các quy định của Luật Xây dựng tại Điều 62.

Mặt khác, tại Khoản 1, Điều 64 Luật Xây dựng lại quy định: “Chủ đầu tư thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án để trực tiếp quản lý thực hiện một dự án được áp dụng đối với dự án được quy định tại Khoản 2, Điều 62 của luật này. Vậy trong trường hợp sân bay Long Thành thì ai là chủ đầu tư, cấp nào là quyết định đầu tư và ai ra quyết định thành lập Ban Quản lý dự án. Hầu như trong mục 3 – quản lý dự án đầu tư xây dựng, thuật ngữ “chủ đầu tư” và “người quyết định đầu tư” sử dụng không thống nhất, khó áp dụng.

Mặt khác, Điều 152 Luật Xây dựng quy định về điều kiện của tổ chức tư vấn dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tại Mục d, Khoản 2 quy định: “Cá nhân đảm nhận chức danh Giám đốc ban quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án phải có chuyên môn phù hợp, được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy mô, loại dự án”.

Trên thực tế, việc đào tạo, “đã qua sát hạch, kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề” trong thời gian 1 tháng, 3 tháng, 15 ngày không bổ sung thêm được nhiều về kiến thức đối với các cán bộ là kỹ sư, kiến trúc sư hoặc học vị chuyên ngành cao hơn. Vì vậy, việc quy định phải được học, sát hạch, để có chứng chỉ là không cần thiết, điều này chỉ gây khó khăn và tốn kém tiền của, thời gian cho những người tham gia học tập, gây phiền hà trong thủ tục hành chính, hiệu quả thấp. Cần phải bỏ chứng chỉ học tập, sát hạch vì trên thực tế chứng chỉ này không có hiệu quả.

Tương tự, các quy định tại Điều 148, 149, 151, 152, 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159 quy định về điều kiện hoạt động của các tổ chức, cá nhân tại Luật Xây dựng cần được xem xét, sửa đổi, đảm bảo đơn giản có hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống. Trong việc xem xét năng lực hành nghề của tổ chức cá nhân, chỉ nên tập trung về bằng cấp học phù hợp với công việc, số năm công tác, những công trình người đó đã trực tiếp thiết kế hoặc quản lý dự án hoặc thi công xây dựng.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Thiên Trường - Duy Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load