Thứ sáu 29/03/2024 14:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài 1:

Luật chưa bảo vệ, người dân ngần ngại với PPP

17:39 | 13/11/2019

“Trong dân nguồn lực còn rất lớn nhưng chưa kêu gọi được, chưa có luật pháp bảo vệ họ thì họ không thể bỏ vốn ra được”- Thủ tướng nêu rõ khi thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

luat chua bao ve nguoi dan ngan ngai voi ppp
Thực tiễn triển khai chương trình PPP trong những năm qua đã cho thấy rõ yêu cầu cần xây dựng đạo luật riêng về PPP. Ảnh minh họa: Dân Trí

Nêu ý kiến tại khi thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đến nay, Đảng, Quốc hội đều nhận thức cần thiết phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn. Thủ tướng cũng cho rằng rất cấp bách, cần thiết có Luật PPP để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, xã hội hóa đầu tư, kêu gọi tư nhân tham gia, kêu gọi nguồn lực phát triển. Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân, thì họ mới yên tâm đầu tư.

Thủ tướng khẳng định, tất cả lĩnh vực phải mở rộng hơn để thu hút khối tư nhân tham gia theo phương châm "Nhà nước và tư nhân cùng làm", trừ những lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm "yết hầu" kinh tế như chính sách tiền tệ, an ninh, quốc phòng...

Thủ tướng khẳng định, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đều thúc đẩy Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời theo hướng “một Luật thông thoáng cùng có lợi”.

“Nguyên tắc là phải bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước nhưng nhà đầu tư có lợi thì họ mới làm. Hai bên cùng có lợi, cùng phát triển, cùng hưởng lợi thì chúng ta mới có thể kêu gọi vốn trong dân, các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước cùng làm ăn”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu, cần phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý, minh bạch, khách quan. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thể chế rất quan trọng, nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư xã hội hóa rất tốt, giúp đất nước phát triển.

Theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công tư, cả Nhà nước, nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân sẽ giàu có hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị, việc tổng quát về quy hoạch, kế hoạch Nhà nước nắm, còn phải phân cấp giao quyền cho Chủ tịch UBND, Thường trực Hội đồng nhân dân các địa phương, Chính phủ không ôm việc. Đồng thời cần có sự giám sát, đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất.

Thu hút tối đa nguồn lực tư nhân

Ban soạn thảo Luật kỳ vọng, sau khi được Quốc hội thông qua vào Kỳ họp lần thứ 9, Luật này sẽ thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thực tiễn triển khai chương trình PPP trong những năm qua đã cho thấy rõ yêu cầu cần xây dựng đạo luật riêng về PPP.

Thứ nhất, quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật (ngân sách nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...).

Thứ hai, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của các pháp luật điều chỉnh hợp đồng.

Thứ ba, hiện nay khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng cũng như khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua là hết sức cần thiết với mục tiêu hình thành khung pháp lý ổn định, bền vững.

“Trong quá trình xây dựng dự án Luật PPP, Chính phủ luôn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa luật này và các luật có liên quan như: dân sự, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, tài sản công...”, ông Trương khẳng định.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc luật hoá các quy định để đưa Luật PPP vào cuộc sống chuẩn mực hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. “Tôi cho rằng rất cần thiết phải có luật PPP và trong luật này sẽ ban hành rất cụ thể để có thể triển khai các hình thức hợp tác công tư trong đầu tư”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, khi luật hoá một cách cụ thể, minh bạch thì sẽ thu hút được nhà đầu tư ngoài nhà nước. Ngoài nhà nước không chỉ là tư nhân mà có thể là các công ty cổ phần có vốn nhà nước tham gia.

”Tôi cho rằng, nếu luật này được hoàn thiện một cách chuẩn mực thì sẽ tạo điều kiện phát triển trở lại các hợp tác PPP. Bởi thời gian qua, việc triển khai các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) gặp rất nhiều trở ngại; thậm chí có môt số dự án phải dừng. Do đó, cần phải sớm thông qua Luật PPP để thực hiện các dự án theo hình thức này”, đại biểu nhận định.

Việc hoàn thiện Luật PPP cũng cần kết hợp với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)..., làm sao để có sự kết hợp hài hoà giữa các luật đó nhằm tránh xung đột.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ đối với những lĩnh vực nào có thể triển khai hợp tác công tư; hay quy định thêm việc giới hạn số tiền đầu tư cho từng dự án cụ thể để triển khai; thậm chí cũng có nội dung chia sẻ rủi ro đối với nhà đầu tư khi triển khai.

Đối với quy định chia sẻ rủi ro thì sẽ có 2 mặt, nếu nhà đầu tư vượt doanh thu dự kiến thì phải chia sẻ lại cho nhà nước; còn nếu hụt doanh thu thì nhà nước sẽ chia sẻ lại. Phải đảm bảo sự công bằng và luật phải quy định rõ 2 điểm đó.

Ngoài ra luật cũng giới hạn các lĩnh vực mà có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tức là luật thể chế hoá một cách cụ thể hơn Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

Theo Thành Đạt/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
  • Nhà thầu phụ có được thuê lại nhân công của chủ đầu tư?

    (Xây dựng) - Bà Hoàng Thị Hóa (Quảng Bình) đang công tác tại đơn vị sự nghiệp, tự bảo đảm chi thường xuyên. Đơn vị có 250 viên chức và người lao động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính do UBND thành phố giao.

  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

  • Đề nghị sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp công trình dự án đã xây dựng

    (Xây dựng) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load