Thứ năm 25/04/2024 23:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lộc Hà (Hà Tĩnh): Nguy cơ từ dự án hơn 60 tỷ đồng không có giám sát

20:19 | 24/06/2019

(Xây dựng) - Một dự án có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng đã và đang được triển khai xây dựng rầm rộ gần 1 tháng qua tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Điều đáng nói, dự án này chưa thuê được đơn vị tư vấn giám sát, chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục theo quy định hiện hành. Và ở hiện trường, đơn vị thi công đang tự “bơi” với công trình, còn đại diện chủ đầu tư thì cho rằng, họ (nhà thầu) chỉ đang động thổ.


Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng đã và đang được triển khai xây dựng rầm rộ gần 1 tháng qua tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Thiếu vắng sự có mặt của chủ đầu tư, chưa phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát nhưng Ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà (Ban A huyện Lộc Hà) đã cho nhà thầu triển khai thi công tại Dự án Hạ tầng nuôi trồng thủy sản xã Mai Phụ và Hộ Độ huyện Lộc Hà.

Bất cập này đang trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình của Dự án Hạ tầng nuôi trồng thủy sản xã Mai Phụ và Hộ Độ huyện Lộc Hà do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Cty CP Xây dựng Hồng Ngọc (số 51, đường Trung Tiết, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).

Cả đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư đang “kẻ tung, người hứng” khiến dự án có “vấn đề” ngay từ thời gian đầu thi công. Dư luận không khỏi hoài nghi: Chất lượng công trình liệu có đảm bảo?

Dự án được phê duyệt theo Quyết định số 259/QĐ - UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 19/01/2017 về thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình Dự án Hạ tầng nuôi trồng thủy sản xã Mai Phụ và Hộ Độ huyện Lộc Hà. Công trình thuộc dự án nhóm B, cấp công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp III, với mục tiêu nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản mặn – lợ để thu hút các cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao; góp phần chuyển đổi các vùng đất làm muối kém hiệu quả; đất hoang hóa sang nuôi trồng thủy sản; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Khi chủ đầu tư “mang con bỏ chợ”, phó mặc cho nhà thầu tự quyết về chất lượng công trình, một người dân thôn Trung Châu, xã Hộ Độ đã nhiều lần lên tiếng phản đối kịch liệt hai đơn vị liên quan đến dự án. Đó là ông Phan Đình Hưng (thành viên giám sát cộng đồng), ông Hưng tự coi mình là “người vác tù và hàng tổng” bởi: “Từ khi dự án động thổ tới nay, chỉ có tôi và nhóm công nhân tự “bơi” tại công trường, họa hoằn lắm mới thấy chú Dũng - Phó ban A huyện Lộc Hà đến ngó ngó tí rồi lên xe ra về”.

“Qua một quá trình giám sát và kiểm tra, tôi phát hiện nhiều điểm bất thường liên quan đến chất lượng công trình như biện pháp thi công, đất kết cấu thân kè, cọc tre đóng gia cố, mác bê tông... hầu hết đều có sự sai khác so với thiết kế. Tôi đã liên hệ với anh Dũng (Nguyễn Đức Dũng – Phó ban A huyện Lộc Hà) và ông Ngọc (Lê Văn Ngọc – Giám đốc Cty CP Xây dựng Hồng Ngọc) để phản ánh và yêu cầu chấn chỉnh. Tuy nhiên, dường như họ phớt lờ ý kiến của tôi. Hậu quả là công trình đến thời điểm hiện tại trông bét nhè như chú (PV) thấy đó”, ông Hưng vừa nói vừa chỉ ra một số bất cập tại hiện trường.

Như để chứng thực về nhận định của mình, ông Phan Đình Hưng mở cuốn Hồ sơ thiết kế của dự án ra, làm một vài biện pháp so sánh, đối chiếu hiện trạng thực tế so với yêu cầu kỹ thuật, ông Hưng vạch ra một số điểm bất cập như sau: Công trình thiết kế mái kè là đất đồi đạt độ chặt K95 nhưng tại hiện trường chỉ là lớp bùn thổ phỉ nhiễm mặn thiếu kết cấu; hệ thống cọc tre dài 2,5m đóng giữ chống lún, chống trượt dầm đáy kênh với mật độ 50cm/cọc cũng không có, dầm bê tông theo thiết kế đạt mác 200 nhưng thực tế khó đạt yêu cầu; lớp bê tông bù, lớp vữa lót, nilon chống thoát ẩm... cũng không có; thậm chí khi tiến hành đổ bê tông, công nhân của nhà thầu không hút hết bùn đất và nước dưới đáy kênh, nước trong kênh là nước mặn, sẽ có ảnh hưởng nhất định tới bê tông và làm hỏng kết cấu thép.

Thực tế trên đang diễn ra tại hạng mục Kênh thoát nước chính Km0 + 00 – Km1 + 683,92 nằm trong Dự án Hạ tầng nuôi trồng thủy sản xã Mai Phụ và Hộ Độ huyện Lộc Hà. Và với mong muốn chấn chỉnh chất lượng của dự án hơn 60 tỷ đồng này, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng Ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà, ông Trường từ chối cung cấp thông tin của dự án và yêu cầu phóng viên đăng ký qua văn phòng của UBND huyện. Trả lời về việc dự án chưa thuê được đơn vị tư vấn – giám sát thì khi thi công liệu có đảm bảo chất lượng, ông Trường cho rằng: Họ (nhà thầu) chỉ mới động thổ. Trong khi đó, thực tế lại công trường cho thấy, dự án đã thi công một thời gian khá dài và đã đạt được một khối lượng công việc đáng kể. Và chả nhẽ, theo như lời vị trưởng ban A huyện Lộc Hà nói, nhà thầu chỉ đang động thổ, và ngày nào họ cũng động thổ?

Dự án hơn 60 tỷ đồng do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư đang được triển khai. Tại công trường chỉ có đội nhân công của nhà thầu trực tiếp thực hiện nội dung công việc. Vừa làm công tác quản lý, vừa đảm nhiệm vai trò giám sát chỉ duy nhất một ông “nông dân” đúng nghĩa (giám sát cộng đồng). Vậy thì, dư luận sẽ nghĩ thế nào? UBND huyện Lộc Hà sẽ trả lời thế nào với chất lượng dự án? Xin được nhường câu trả lời cho các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.

Dưới đây là những hình ảnh thể hiện sự bất cập về chất lượng tại dự án:

Dự án Hạ tầng nuôi trồng thủy sản xã Mai Phụ và Hộ Độ huyện Lộc Hà do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư. Được phê duyệt theo Quyết định số 259/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 19/01/2017 về thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình Dự án Hạ tầng nuôi trồng thủy sản xã Mai Phụ và Hộ Độ huyện Lộc Hà. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án là 61.315.137.000 đồng. Trong đó: Chi phí xây dựng: 42.628.292.000 đồng; Chi phí thiết bị: 2.252.036.000 đồng; Chi phí quản lý dự án: 775.443.000 đồng; Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 3.594.209.000 đồng; Chi phí khác: 2.783.405.000 đồng; Chi phí giải phóng mặt bằng: 950.000.000 đồng; Chi phí dự phòng: 8.351.752.000 đồng. Được trích từ nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 từ Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững (40 tỷ đồng); ngân sách huyện Lộc Hà bố trí số vốn còn lại (21,3 tỷ đồng).

 

Lê Mỹ - Phi Long

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load