Thứ bảy 20/04/2024 05:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Làng nghề đá cổ trăm năm cần một giá trị thương hiệu

11:02 | 02/08/2019

(Xây dựng) - Hải Lựu là một xã nhỏ thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, được tách từ Bạch Lưu Hạ thành 2 xã là Bạch Lưu và Hải Lựu, vốn có vị trí địa lý đắc lợi nằm cạnh dãy núi Thét và ở cạnh sông Lô nên bà con ở đây phát triển nông lâm nghiệp rất mạnh. Nhắc tới Hải Lựu, người ta liền nghĩ đến ngay lễ hội chọi trâu nổi tiếng cả vùng nhưng ít ai biết ngoài lễ hội cổ xưa kia thì Hải Lựu còn là nơi có một làng nghề vô cùng cổ xưa - nghề chế tác đồ đá.

 

 

Làng nghề thiên phú

Ngày nay, mỗi gia đình ở nông thôn vẫn còn không ít vật dụng bằng đá. Từ cái cối xay bột làm nên những loại bánh thơm ngon mang đậm đà bản sắc quê hương, hay những hòn đá mài dao cho đến cái máng lợn… Những ngôi nhà cổ càng trở nên cổ kính hơn với đôi chó đá ngồi canh cổng. Trong dân gian, những nơi linh thiêng như đình, chùa, đền, miếu cũng không thể thiếu những vật dụng trang trí và đồ thờ bằng đá.

Từ lâu người dân miền Bắc nước ta đã rất quen với những vật dụng bằng đồ đá nhưng ít ai biết đến nơi đã sản sinh ra chúng. Đó là vùng núi Thét thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô.

Nghề chế tác đá Hải Lựu là một trong những nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời ở huyện Sông Lô (xưa thuộc huyện Lập Thạch). Theo các cụ cao niên trong xã kể lại thì nghề chế tác đá Hải Lựu có từ những năm đầu của thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XX. Nơi đây có khu Đồng Trăm, Đồng Trổ với bạt ngàn đá nổi vân màu ngũ sắc, đá xanh, đá xám…

Đá ở Hải Lựu có một đặc điểm rất đặc biệt, đó là đá mềm, có thể chẻ ra thành mảng như người ta xẻ gỗ. Đá có màu xanh và bền, có thể phơi mưa, phơi nắng nhưng chẳng bao giờ mòn được. Đây là những tiêu chuẩn lý tưởng để cho những bàn tay vàng của người thợ đá tạo ra vô vàn sản phẩm đẹp, bền chắc, tồn tại song hành cùng thời gian.

Người dân xã Hải Lựu ở dưới chân núi Thét đa phần lấy công việc đục đẽo đá làm nghề phụ. Hàng năm khi mùa nông qua đi, mọi người lại chuẩn bị đồ nghề như: Đòn ống, dây thừng, túi đựng dụng cụ… Để bắt đầu một quy trình tạo ra những sản phẩm bằng đá bền, đẹp phục vụ cho đời.

Sáng người thợ đá leo lên ngang sườn núi, ngắm nghía chọn lựa từng vỉa đá có thể đục đẽo, gọt dũa để trở thành các vật dụng như ý và rồi khi mặt trời khuất núi họ lại cùng nhau khuân vác các khối đá nặng trịch đó về nhà. Những khi thời tiết thuận lợi, họ có thể dựng lều lán nghỉ lại qua đêm, ngày hôm sau phải huy động cả nhà dành ra hàng buổi mới khuân hết sản phẩm xuống núi.

Khi công việc chọn đá và vận chuyển đã hoàn tất, người thợ đá lại tiếp tục gọt dũa làm sao cho tác phẩm của mình trở nên hoàn hảo hơn, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng. Để bán được những sản phẩm đã hoàn tất người dân lại phải dong duổi hàng tuần, hàng tháng xuống thuyền ngược sông Lô, xuôi sông Hồng hoặc theo xe lăn bánh gập gềnh qua miền sơn cước... mang đồ đá đi khắp nơi tiêu thụ.

Người thợ đá lấy đó làm niềm vui trong lao động giữa lưng chừng núi cao lộng gió, dù có bị mảnh đá văng ra làm sây sát chân tay, bụi đá làm mắt đau họng rát. Chỉ với cái búa, vài cái đục, cái choòng bằng sắt cộng thêm cái vồ bằng gỗ lim, gỗ sến với chiếc com pa tự tạo, đoạn dây dọi đơn sơ, người thợ đá Hải Lựu từ bao đời nay đã cung cấp đồ đá cho khắp mọi nơi.

Những sản phẩm lớn như voi đá, ngựa đá, toà sen, tượng phật, chân cột đình, bia văn tự, đỉnh lư hương, thắp nhang sân chùa, nhịp cầu bằng đá... khách hàng phải vẽ mẫu và đặt trước để bố trí cả hiệp thợ cùng làm cùng di chuyển tác phẩm đã hoàn thành xuống núi an toàn về nơi quy định. Có điều lạ là nghề đục đẽo đá ở đây tuy cũng dùng đục bằng thép cứng nhưng lại đập bằng vồ gỗ nên trong lúc làm việc dù rất đông thợ cùng làm nhưng cũng chỉ phát ra những tiếng trầm đục rất khiêm nhường chứ không có âm thanh chát chúa như những nghề đục đẽo khác. Đó cũng là đặc tính của người dân xã Hải Lựu.

Đá ở Hải Lựu có thể làm thành nhiều mặt hàng khác nhau. Đơn giản thì như những vật dụng, nông cụ thường ngày người dân cần đến như cối đá, cột nhà, đá lát nhà... tinh xảo thì có những sản phẩm như cột đình, bia đá, những con vật linh thiêng với nhiều hoa văn, những pho tượng phật…

 

Cần một giá trị thương hiệu

Trên địa bàn xã Hải Lựu hiện nay có khoảng 6 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đá xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đặc biệt là xuất sang thị trường Đài Loan. Được sự qua tâm và khuyến khích của UBND tỉnh, các ngành chức năng từ năm 1998 - 2006 đã mở hai lớp học dạy điêu khắc đá và coi nghề đá như một nghề trọng điểm nơi đây.

Là một làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay nên nghề đá ở đây thuộc dạng nghề “cha truyền con nối”, thế hệ này đi qua thì thế hệ kia kế tiếp. Theo những người dân Hải Lựu kể lại “Trước đây, khi còn làm hoàn toàn bằng thủ công thì những em nhỏ hơn 10 tuổi đã có thể đục cối, máng, những dụng cụ đơn giản, nhưng bây giờ thì hầu như không còn trẻ em dưới độ tuổi lao động làm nữa vì điều kiện đã khá giả, họ đã cho con em mình đi học chu đáo”.

Cả xã có 1.400 hộ với hơn 6.400 nhân khẩu thì có tới 900 lao động là chuyên về làm nghề đá. Với trữ lượng đá lớn trên diện tích hơn 4km2 nằm tập trung ở các thôn như Đồng Trổ, Đồng Chăm, Dừa Cả, Dừa Lẽ... Người dân Hải Lựu ai nấy đều rất quý trọng nghề truyền thống của làng. Càng yêu nghề người thợ càng yêu ngọn núi đá của quê hương đã cho nguyên liệu để hành nghề. Người ta vẫn nói “Nhiều như đá núi” nhưng những người dân nơi đây không ai lãng phí đá. Dù khai thác được hòn đá to hay viên đá nhỏ, người thợ đều phải có tính toán chi li xem từng thớ đá có thể cho ra những sản phẩm thích hợp nào. Cũng như người thợ mộc, thợ đá cũng phải ba lần đo mới có một lần quyết định vạch lỗ cắm choong để tách từng tảng đá ra mà đục đẽo.

Nghề đá Hải Lựu trước kia là thế mạnh của địa phương, nay đã phát triển rất nhiều nhưng do kinh tế suy thoái, bên cạnh đó với quy mô nhỏ, lẻ, vốn đầu tư còn thiếu, mặt bằng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, làng nghề đá Hải Lựu còn thiếu thông tin về thị trường, giá cả, luật pháp, cũng như các vấn đề về xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng của đá Hải Lựu còn rất xa lạ, nhiều chủ sản xuất nghề làm đá đang đứng trước những khó khăn. Nhiều hộ đã phải chuyển nghề bởi không thể bám nghề để sống được.

Do chưa được đầu tư kịp thời về trình độ kỹ thuật cho các lao động nên chưa đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, thêm vào đó nghề làm đá vừa vất vả, mệt nhọc nhưng đem lại thu nhập chưa cao, không ổn định và không bảo đảm được cuộc sống của người làm nghề, khiến nhiều lao động buộc phải tìm kiếm những công việc khác có thu nhập cao hơn.

Đứng trước thực trạng này cần phải có các giải pháp để khôi phục, duy trì, thúc đẩy làng nghề phát triển lên trong thời kỳ mới. Tỉnh và các ngành chức năng cần tăng cường cập nhật thông tin thị trường để giúp các làng nghề nắm bắt nhanh tình hình và nhu cầu xã hội, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ổn định và phát triển sản xuất; nghiên cứu để tạo ra đặc trưng của sản phẩm làng nghề; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề…

Có như vậy, đá Hải Lựu mới hy vọng phát triển lâu dài trong giai đoạn hiện nay. Bởi đây không chỉ là sản xuất kinh doanh mà ở tầm cao hơn, nó còn là vấn đề về giữ gìn bản sắc văn hóa, một sản phẩm đặc trưng của một vùng miền.

 

Chúng ta đang tiến tới xây dựng nền công nghiệp hoá - hiện đại hoá tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn không thể thay thế chất liệu đá trong đồ dùng bằng đá mang đậm nét truyền thống văn hoá của mỗi gia đình người Việt. Những người thợ đá ở xã Hải Lựu vẫn cần cù đục đẽo để cho ra đời mỗi năm hàng vạn đồ đá cho nhân dân khắp vùng, vừa có việc làm trong lúc nông nhàn vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống mang đậm nét bản sắc dân tộc. Khách nước ngoài về đây đã mua nhiều sản phẩm làm quà kỷ niệm, bởi họ hiểu rõ giá trị của các sản phẩm mang tính chất vĩnh cửu này. Chúng ta cần phải giữ.

Khánh Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load