Thứ năm 25/04/2024 23:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Làm gì khi ô nhiễm không khí thành vấn nạn quốc gia?

16:05 | 13/12/2019

Hà Nội ô nhiễm đến mức báo động, việc mua máy lọc không khí, đeo khẩu trang lúc ra đường là chưa đủ để bảo vệ lá phổi trước vấn nạn quốc gia này.

Chỉ số không khí trên app điện thoại liên tục chuyển sang đỏ, tím khiến chị Đỗ Thúy Phương (khu đô thị Dịch Vọng, Hà Nội) không khỏi lo âu. Hà Nội ngày một ô nhiễm, bụi từ xe máy, ôtô, công trình xây dựng khiến những ngày mùa đông trở nên khó thở hơn.

Để đối phó, chị Phương đã chi 50 triệu đồng để mua 3 máy lọc không khí loại tốt của Nhật Bản. Nhưng chừng đó liệu có bảo vệ được gia đình không, chị cũng không chắc chắn. Dùng máy lọc không khí ở nhà hay đeo khẩu trang lúc ra đường có vẻ vẫn chỉ là giải pháp tình thế.

Sáng 13/12, khị chị Phương và hàng triệu dân đang trên đường đến nơi làm việc, nồng độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đạt mức báo động. Trang AirVisual xếp Hà Nội là TP ô nhiễm thứ 2 trong các điểm quan trắc trên toàn thế giới. Hai điểm đo Tây Hồ và Tô Ngọc Vân tiếp tục là nơi có chỉ số AQI cao nhất thành phố, vượt ngưỡng nguy hại. Số liệu lúc 7h30 cho thấy chỉ số ở Tây Hồ là 407 và Tô Ngọc Vân là 361.

Trang quan trắc chính thức của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng cho thấy chỉ số AQI ở hầu hết trạm quan trắc đã vượt xa mức rất xấu, trên 200 đơn vị. Có người dùng khẩu trang, có người không dùng, nhưng đâu là cách bảo vệ mình hiệu quả trong khi nồng độ ô nhiễm tăng cao.

Về quê "trốn" ô nhiễm không khí

Chị Phương đã đặt máy lọc ở 3 phòng ngủ của vợ chồng và các con. Tuy nhiên, việc này chỉ giúp tránh không khí độc hại những lúc ở nhà, tức là chỉ khoảng 1/2 thời gian trong ngày. Còn lại, chị vẫn không yên tâm khi các con đi học, vận động ngoài trời.

"Trẻ con thì phải đi học, học về cũng phải ra ngoài sân chơi, chạy nhảy, không thể bắt ở nhà cả ngày xem TV được. Bước chân ra khỏi nhà, điện thoại, ví tiền còn quên chứ không bao giờ quên khẩu trang được. Nhiều khi đi về thấy mắt đỏ ửng như dị ứng", chị Phương chia sẻ.

Sống ở khu HH Linh Đàm cách đó 10 km, chị Lê Thúy cũng bật máy lọc không khí 24/24. Vào những tháng không khí đặc biệt xấu, tiền điện có khi tăng thêm 1-2 triệu đồng.

lam gi khi o nhiem khong khi thanh van nan quoc gia
Hà Nội trong những ngày không khí chuyển đỏ và tím. Ảnh: Duy Hiệu.

"Máy lạnh tắt thì phải bật máy lọc không khí, nhiều khi đi ngủ bật song song cả 2, biết là tốn kém, nhưng chẳng còn cách nào khác. Gia đình tôi muốn mở cửa sổ cho thoáng nhà, nhưng mở được 5 phút là máy lọc lại báo đỏ ngay (chất lượng không khí không đảm bảo), lại phải đóng", chị Thúy nói.

Anh Chu Văn Thành, người dân sống ở một khu chung cư trên đường Nguyễn Trãi, thì chọn giải pháp tiết kiệm hơn. Anh thường tranh thủ đưa cả gia đình về quê nội mỗi dịp cuối tuần để "tránh bụi".

"Tôi không có máy lọc, đi làm cả ngày, đến tối về ngủ là đóng cửa nên không cần thiết. Cuối tuần là cả nhà về nội, đi chỉ mất 2 tiếng, về đến nơi là không khí trong lành, dễ chịu hơn hẳn. Các con tôi cũng được ra ngoài nô đùa thoải mái, chứ ở Hà Nội còn mấy ai dám cho con ra ngoài chơi nữa", anh Thành bộc bạch.

Vấn nạn quốc gia

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, Hà Nội đang vào giai đoạn không khí xấu nhất năm. Thành phố có đến 6/7 ngày trong tuần có không khí ở mức kém, xấu và đang đứng đầu cả nước về ô nhiễm không khí. Trong đợt cao điểm ô nhiễm tháng 9, tháng 10 vừa qua, có những lúc không khí Hà Nội chạm ngưỡng nguy hại (AQI vượt 300 đơn vị), chiếm luôn vị trí số 1 trong top thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo trang quan trắc thời gian thực AirVisual.

lam gi khi o nhiem khong khi thanh van nan quoc gia
Hàng triệu người dân Hà Nội vẫn đang ra đường lúc nồng độ ô nhiễm không khí đạt mức nguy hại. Ảnh: Duy Hiệu.

Đề cập đến vấn đề này, các cơ quan chuyên trách của thành phố luôn cho rằng hiệu ứng thời tiết cực đoan làm không khí xấu đi. Tuy nhiên, những giải pháp thực chất và cấp bách vẫn chưa được đưa ra.

Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Hồng Vũ, chuyên gia sinh học trong Y học, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ), cho rằng Việt Nam hay các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa có các biện pháp ứng phó khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng xấu, nguy hại là thiếu sót lớn.

"Tôi thấy ở nhiều thành phố như Bắc Kinh, hay New Delhi, khi chất lượng không khí suy giảm đột ngột, chính quyền thành phố sẽ có các biện pháp khẩn cấp như tạm dừng hoạt động các công trường, nhà máy. Các khu vực đông dân cư sẽ bị hạn chế xe cộ, nhất là xe cá nhân, chỉ cho các xe chạy điện đi", TS Hồng Vũ nói.

"Mọi giải pháp hiện giờ chỉ là tình thế, máy lọc không khí cũng chỉ để tránh ảnh hưởng phần nào, rất khó cho họ nếu chính quyền không vào cuộc. Tôi nghĩ đây là vấn nạn quốc gia, chứ không còn là vấn đề cục bộ nữa", vị tiến sĩ nhấn mạnh.

Thành phố nên "sốt ruột"

Trao đổi với báo chí tháng 9 vừa qua, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP cho hay Hà Nội vẫn đang tích cực đẩy mạnh các chính sách cắt giảm nguồn phát thải gây ô nhiễm.

Trong đó có hạn chế, hướng tới cấm xe máy, loại bỏ bếp than tổ ong và ngăn tình trạng đốt rơm rạ. Ngoài ra, thành phố đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới quan trắc không khí, nhưng tiến độ vẫn hết sức chậm chạp.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho rằng thành phố Hà Nội nên có các biện pháp quyết liệt hơn thay vì để người dân "chờ trời mưa" như hiện tại.

lam gi khi o nhiem khong khi thanh van nan quoc gia
Chỉ số AQI tại Hà Nội "tím ngắt" sáng nay. Ảnh chụp màn hình lúc 7h30 sáng 13/12.

"Tôi nghĩ lãnh đạo thành phố nên sốt ruột, không thể cứ để người dân kêu ca mãi như thế được. Biết là thành phố vẫn đang tích cực tìm giải pháp, cắt giảm nguồn ô nhiễm, nhưng đó là chuyện tương lai. Hiện tại, sức khỏe của hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng", ông nhấn mạnh.

Ông đơn cử chuyện khẩu trang, mặc dù Sở Y tế, Sở Tài nguyên Môi trường khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, nhưng chưa cơ quan nào ban hành các quy chuẩn về loại khẩu trang nào là an toàn, đạt yêu cầu. Hay ngưỡng không khí nào thì khẩu trang không còn tác dụng.

"Chuyện cho học sinh nghỉ, Bộ Y tế nên làm việc với Bộ Giáo dục, UBND thành phố về việc này và cần bàn bạc nghiêm túc, không khí ô nhiễm đặc biệt có hại với trẻ em. Hay như chuyện cấm xe cộ hoạt động trong những khu vực nhất định, đây là giải pháp có thể tính tới nếu chất lượng không khí xấu nghiêm trọng", TS Dương Tùng nhấn mạnh.

Vị tiến sĩ đề nghị thành phố cần có các hệ thống, chế độ cảnh báo chất lượng không khí, giống như cảnh báo bão để người dân kịp thời có biện pháp đề phòng. Việc này cần có sự tham gia của cơ quan chuyên môn về giao thông, môi trường, khí tượng thì mới đánh giá đúng được.

Theo Sơn Hà/Zing.vn

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load