Thứ tư 24/04/2024 01:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kinh tế hợp tác sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX: Bước phát triển đáng kể về lượng và chất

19:02 | 13/08/2019

(Xây dựng) - Ngày 20/02/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 212/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch và Đề cương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 18/3/2002) Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nhằm đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 15 năm thực hiện Nghị quyết. Chỉ rõ kết quả đạt được và nội dung còn hạn chế, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo.

Hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng tăng

Cả nước hiện có khoảng 23.000 HTX; trong đó có 14.502 HTX nông nghiệp, 2.323 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1.996 HTX thương mại, dịch vụ, 1.392 HTX vận tải, 894 HTX xây dựng, 1180 Quỹ tín dụng nhân dân, gần 1.000 HTX môi trường và lĩnh vực khác; có 104.861 tổ hợp tác, trong đó 26.000 tổ hợp tác có thực hiện đăng ký chứng thực theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam, việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX đã có bước đột phá, tăng sức lan tỏa sâu rộng đối với hệ thống chính trị các địa phương, hệ thống liên minh các HTX cũng như đông đảo tầng lớp nhân dân. Liên minh HTX Việt Nam và nhiều Liên minh HTX cấp tỉnh đã trở thành những điểm sáng trong các phong trào ở địa phương như xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Năng lực quản trị của các HTX có nhiều tiến bộ. Quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng tăng.

Thời gian gần đây, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã tăng cường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong cả nước tham gia giao thương, kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm tại một số vùng, miền trong nước… Các sự kiện đó đã hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị hàng Việt trong thời kỳ hội nhập.

Có thể nhận thấy, hầu hết các HTX đều hoạt động theo hướng tích cực, bảo toàn vốn và tăng doanh thu. Liên hiệp HTX hoạt động chủ yếu tiêu thụ sản phẩm. Đã xuất hiện nhiều liên hiệp HTX có quy mô lớn, quản trị hiện đại như Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co-op) với 28 HTX thành viên, 102 siêu thị, 3.000 cửa hàng liên kết. Tổ hợp tác thu hút hàng triệu thành viên, từng bước chuyển thành HTX.

Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới

Thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, kinh tế hợp tác đã có bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Trong một nền kinh tế thị trường với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, người nông dân và những hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Các HTX kiểu mới đã giúp họ giảm thiểu những rủi ro, thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi ích thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng. Đặc biệt, những HTX ứng dụng công nghệ cao giúp gia tăng thu nhập cho thành viên đã cho thấy đổi mới mô hình kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới là xu thế tất yếu để hội nhập thành công kinh tế quốc tế.

Hiện tại, nhiều địa phương đã có mô hình HTX khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; thành lập liên hiệp HTX làm "đầu kéo" cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho HTX thành viên; nhiều HTX quy mô lớn, hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con đa ngành, xuất khẩu trực tiếp. Lao động trẻ có chuyên môn kỹ thuật đã khai thác lợi thế đất đai, khí hậu, cây trồng vật nuôi, dược liệu, ngành nghề truyền thống, công nghệ thông tin để thành lập HTX ứng dụng công nghệ cao.

Thực tiễn cho thấy, sản xuất nông nghiệp không chỉ chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường mà đồng thời phải bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài học được rút ra là chỉ có HTX kiểu mới mới đáp ứng được yêu cầu trên trong tổ chức thực hiện sản xuất đồng bộ, bền vững và gia tăng lợi nhuận cho từng xã viên.

Đã có hàng chục HTX ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tổ chức để nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng có lợi nhuận ròng trên 52 triệu đ/ha/năm. Trong khi canh tác thuần lúa nông dân chỉ có lợi nhuận ròng khoảng 39 triệu đ/ha/năm. Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô cả chục ngàn héc-ta, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất đã tạo doanh thu bình quân trên 1 tỷ đ/ha/năm.

Mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp phát triển mạnh nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Theo các chuyên gia kinh tế, chính quyền các địa phương cần nhận thức sâu sắc việc phát triển HTX nông nghiệp theo cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp bền vững. Mặt khác, phát triển HTX kiểu mới không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình để chính quyền, DN vun đắp, phát triển các mô hình mới này.

Liên minh HTX Việt Nam đóng vai trò nòng cốt

Kinh tế hợp tác, HTX có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đã được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ V BCH Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị; Luật HTX 2012 và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan. Hiện nay, khu vực kinh tế hợp tác đang phát triển khá nhanh cả về mặt số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay và tiệm cận với trình độ, nhận thức của quốc tế; hình thành một số HTX khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng giải quyết giải thể HTX hoạt động kém hiệu quả, tạo điều kiện và quỹ đất cho HTX có quy mô lớn, quản trị hiện đại ra đời. Số lượng HTX hoạt động hiệu quả cũng tăng dần đều theo từng năm, từ 6.723 HTX (chiếm 36%) vào năm 2013 lên 9.891 HTX (chiếm 45% tổng số HTX) hoạt động hiệu quả năm 2018. Điều này cho thấy, các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, khu vực HTX đang dần được phát triển nhanh hơn. Đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế hợp tác và thành viên HTX ngày càng tăng đã góp phần quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội như tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ.


 Liên minh HTX Việt Nam làm việc tại Hòa Bình về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động có tác động tích cực đối với phát triển nền kinh tế - xã hội và các địa phương. Khu vực kinh tế hợp tác, HTX và các thành viên đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, quy mô và tỷ trọng có xu hướng tăng; cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho ổn định giá cả thị trường, là thành tố đóng góp tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; các HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp là đầu mối liên kết với các DN hình thành các chuỗi giá trị. Các tổ hợp tác, HTX là “bà đỡ” tạo việc làm cho các lao động tay nghề thấp, tuổi cao chuyển về từ các KCN. Các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển hệ thống chính trị, củng cố an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế hợp tác hiện vẫn tồn tại một số hạn chế như: nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ có liên quan của địa phương về kinh tế hợp tác, HTX còn hạn chế; kinh tế hợp tác, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của các địa phương, vùng kinh tế; cơ sở hạ tầng ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa xuống cấp, chưa đáp ứng sản xuất quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao…

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, chính sách đã có nhưng cần phải rõ hơn, hiệu quả và khả thi thì mới đạt được mục tiêu phát triển "không để ai bị bỏ lại phía sau". Do vậy, Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, quan trọng trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX.

Việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX là hết sức cần thiết để nhận diện, đánh giá đầy đủ toàn diện và khẳng định chủ trương đúng đắn của Nghị quyết, đồng thời bổ sung những quan điểm mới để tiếp tục triển khai Nghị quyết. “Liên minh HTX Việt Nam sẽ quyết tâm hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, thực sự đóng vai trò nòng cốt trong tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Mỗi mô hình mà các HTX lựa chọn, triển khai đã và sẽ trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.

Theo báo cáo của Văn phòng Liên minh HTX Việt Nam, tháng 7/2019 cả nước thành lập mới 223 HTX, trong đó có 175 HTX nông nghiệp và 48 HTX phi nông nghiệp.

Như Ý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load