Thứ sáu 29/03/2024 19:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Không để nợ đọng nhiệm vụ năm 2019

16:00 | 13/12/2019

Sáng 13/12, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 9 bộ để đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, trình đề án trong chương trình công tác (CTCT) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019; tình hình đăng ký đề án đưa vào CTCT của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020.

khong de no dong nhiem vu nam 2019
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc họp có sự tham gia của 9 bộ, cơ quan: Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tránh cuối năm "xin lùi, xin rút" nhiệm vụ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu các bộ, cơ quan rà soát kỹ chương trình, đề án được giao năm 2019. CTCT có ý nghĩa quan trọng trong điều hành, vì vậy, Thủ tướng rất quan tâm từ khâu xây dựng đến đôn đốc, kiểm tra trình ban hành, chất lượng các đề án.

Thời gian từ nay đến hết năm 2019 chỉ còn 17 ngày, vì vậy, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh nếu không thực hiện nhanh thì sẽ thành quá hạn toàn bộ và đề nghị những nhiệm vụ được giao không để nhiệm vụ nào không hoàn thành, không để sót nhiệm vụ, trừ những nội dung đang xử lý thận trọng như Luật An ninh mạng...

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ rà soát lại nghiêm túc để hoàn thành những vấn đề còn đang chậm và nhấn mạnh Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ trưởng các bộ phải trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng chương trình công tác và giao Tổ công tác thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, Tổ công tác làm việc với các bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình các đề án.

Năm 2019, CTCT gồm 511 đề án, đến nay đã trình 390 đề án, hiện đã ban hành 197 đề án, đạt 50,5%; chưa trình 121 đề án (trong đó nợ quá hạn 41 đề án; 80 đề án sắp hết hạn 31/12/2019 phải trình).

Riêng 9 bộ làm việc hôm nay là những đơn vị còn nhiều đề án nợ đọng. Tổng cộng, 9 bộ được giao 251 đề án, còn nợ 71 đề án chưa trình. Trong đó, có 29 đề án nợ quá hạn, trong số này, có nhiều đề án nợ đọng kéo dài, có 42 đề án sắp đến bạn phải trình trước 31/12.

Về CTCT năm 2020, tổng số đề án các bộ, cơ quan, địa phương đăng ký là 333 đề án, có 7/9 bộ làm việc hôm nay đã đăng ký 149 đề án (còn 2 bộ chưa đăng ký là Công an và Lao động-Thương binh và Xã hội). Vì vậy, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ khẩn trương rà soát, đăng ký để bảo đảm kịp tiến độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan báo cáo theo các Danh mục VPCP đã rà soát về các đề án nợ đọng và sắp hết hạn trình, lý do chậm và nêu thời hạn hoàn thành. Về chương trình công tác năm 2020, cần rà soát xem sự cần thiết của đề án, căn cứ pháp lý, khả năng thực hiện, đặc biệt là rút kinh nghiệm việc đăng ký CTCT nhưng không thực hiện được, cuối năm "xin lùi, xin rút".

khong de no dong nhiem vu nam 2019
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tập trung thực hiện để không nợ đọng

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết năm 2019, Bộ được giao 50 đề án, trong quá trình triển khai đã chủ động báo cáo Chính phủ có 4 đề án rút khỏi CTCT do lý do khách quan (đề án liên quan đánh giá tác động đầu tư nước ngoài; một số báo cáo liên quan Luật Đầu tư công; đề án về thành lập liên đoàn kinh tế tư nhân). Với 46 đề án còn lại, đã trình 35 đề án, còn 11 đề án Bộ khẳng định và cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019. Bộ cho biết luôn tập trung hoàn thành các đề án bởi xác định đây là các đề án từ các nhiệm vụ chuyên môn của Bộ đăng ký với Chính phủ và sẽ hoàn thành với mức độ cao nhất.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình sớm các đề án vì còn các quy trình xin ý kiến thành viên Chính phủ, quan trọng hơn nữa là vấn đề chất lượng cần có quy trình trước khi ban hành.

Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao 30 đề án, đã chủ động trình thêm 5 đề án, như vậy trong tổng số 35 đề án phải trình, Bộ còn 10 đề án trình Chính phủ. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết hiện nay có 4 đề án trong danh mục chậm tiến độ, như đề án Nâng cao chất lượng ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài đang tiếp tục hoàn thiện và đăng ký chuyển sang năm 2020; Nghị định sửa đổi quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Đài THVN đang lấy ý kiến từ tháng 10/2019 và đang trong quá trình lấy ý kiến 60 ngày; Nghị định quy định xác thực và định danh điện tử sẽ trình kịp tiến độ 2019...

Về ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt, quan điểm là không để điều chuyển sang năm 2020 trừ đề án liên quan đến nâng cao chất lượng ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài.

khong de no dong nhiem vu nam 2019
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo rà soát, đến nay Bộ còn 5 nhiệm vụ đến hạn, trong đó đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đã có văn bản và đề nghị xin lùi năm 2020; Nghị định về xử phạt kinh doanh rượu, thuốc lá nhập khẩu thì Bộ tích hợp trong nội dung sửa đổi Nghị định 185 đã ban hành nên sẽ rút nhiệm vụ ra khỏi CTCT... Còn các nhiệm vụ khác, Bộ Công Thương cam kết sẽ kịp thời hạn năm 2019.

Với ý kiến của Bộ Công Thương, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao các cải cách quyết liệt của Bộ trong thời gian qua cũng như quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ năm 2019. Với đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đã quá hạn 74 ngày nên đề nghị Bộ không chuyển sang năm 2020, nếu chưa hoàn thành thì để làm nhiệm vụ quá hạn.

Đại diện Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết có 5 đề án được xếp vào danh mục chậm. Với đề án trình năm 2020, Bộ hiện đang trình chậm bởi số lượng đề án trình dự kiến tăng gấp đôi so với mọi năm, dự kiến khoảng 45 nhiệm vụ cho năm 2020 chia làm 2 nhóm (văn bản quy phạm pháp luật và đề án liên quan đến quy trình, mục tiêu quốc gia đến năm 2025, 2030). Vì vậy, Bộ xác định những đề án nào thật cần thiết, khả thi mới đưa vào chương trình công tác năm 2020. Nhiệm vụ của Bộ tăng so với năm 2019 bởi căn cứ thực tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2019, Bộ được giao 10 đề án, số trình là 7 văn bản và chưa trình 3 văn bản vì lý do khách quan.

khong de no dong nhiem vu nam 2019
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Ngoại giao cho biết năm 2019, Bộ được giao 35 nhiệm vụ. Từ đầu năm đến nay, có 25 đề án được trình, 6 đề án cam kết trình trong tháng 12/2019, còn lại là đề án xin rút đã được phê duyệt. Năm 2020, Bộ Ngoại giao có 22 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá cao tinh thần làm việc cởi mở của các bộ, cơ quan tại buổi làm việc.

Thời gian đến khi kết thúc năm 2019 chỉ còn 17 ngày, vì vậy Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các Bộ quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ dở dang, không để nhiệm vụ quá hạn, không để nhiệm vụ nào bỏ sót. Văn phòng Chính phủ thống nhất những nội dung đã xin ý kiến thành viên Chính phủ, sẽ phối hợp với các bộ để thúc đẩy trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. CTCT năm 2019 thống nhất quan điểm không đặt vấn đề xin rút nhiệm vụ, nhiệm vụ nợ đọng, quá hạn sẽ chuyển sang đầu năm 2020.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho biết, những nhiệm vụ thuộc chức năng, thuộc chương trình công tác của các bộ, cơ quan không đưa vào nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020 mà tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, cơ quan cần tiếp tục quan tâm đến thể chế, cải cách mạnh mẽ sẽ tạo dư địa tăng trưởng cho năm 2020.

Theo Gia Huy/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load