Thứ sáu 19/04/2024 16:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Huyền bí Hành cung Lam Kinh

14:51 | 16/12/2019

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá (thời phong kiến gọi là Hành cung Lam Kinh) còn lưu giữ những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền bí của triều đại phong kiến hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

huyen bi hanh cung lam kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200ha (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt.

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh). Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh) để xây dựng điện miếu, lăng tẩm của nhà vua, Thái hoàng, Thái hậu. Kể từ đó, Lam Kinh có hai chức năng chính là nơi đặt lăng mộ của hoàng tộc và là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên.

huyen bi hanh cung lam kinh
Cây đa cổ thụ ở Khu di tích quốc gia Lam Kinh.

Hành cung Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu... Phía Bắc của hành cung dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

huyen bi hanh cung lam kinh
Hai bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ là 2 cặp voi đá có niên đại hàng trăm năm, vẫn giữ được gần như nguyên bản.

Ngày nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi kiến trúc độc đáo đậm chất Á Đông, mà còn thu hút du khách bởi những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí tại khu lăng tẩm của các Vua chúa thời Hậu Lê.

huyen bi hanh cung lam kinh
Muốn vào khu chính điện, khách phải đi qua Ngọ môn có 3 gian, gian giữa rộng 4,6m, gian bên rộng 3,5m. Nền Ngọ môn rộng 11m, dài hơn 14m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6m, cửa hai bên rộng 2,74m và được bố trí hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là kích thước lớn, đường kính chân cột 78cm.

Đầu tiên phải kể đến là Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ). Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50m, phía trước có minh đường rộng rãi và bình phong là núi Chúa, phía sau có gối tựa núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”.

huyen bi hanh cung lam kinh
Khu di tích Lam Kinh còn lưu giữ khá nhiều bia cổ, nổi bật nhất là bia Vĩnh Lăng.

Cũng tại khu Vĩnh Lăng này có tồn tại truyền thuyết về cây ổi cười, tạo lên sự huyền bí cho vùng đất Lam Kinh. Du khách chỉ cần dùng ngón tay cù nhẹ lên thân cây, thì toàn bộ cây ổi đều rung lên như có một cơn gió mạnh thổi qua. Không chỉ toàn thân cười khi có người chạm vào vào, cây ổi còn mang lại một cảm giác nhẹ nhõm khác lạ nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại tĩnh tâm.

huyen bi hanh cung lam kinh
Hàng năm có rất đông du khách đến viếng điện Lam Kinh và tham quan thắng cảnh.

Cũng nằm trong khu quần thể lăng mộ, cây lim cổ thụ có tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được gọi bằng cái tên “cây lim hiến thân”.

Chuyện kể lại rằng, cây lim đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ra đi ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Thân và cành lim được ước lượng đủ kích thước để làm một bộ gồm: Cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10 cùng năm.

Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với chân đá tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với chân đá tảng cột quân. Những sự trùng hợp về kích thước này được đồn đoán rằng, dường như cây Lim sinh ra để thực hiện sứ mệnh của 600 năm sau đó là phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.

huyen bi hanh cung lam kinh
Cây ổi cười ở Khu di tích quốc gia Lam Kinh.
Trong khu sơn lăng của triều Lê sơ ở Lam Kinh còn có lăng các vua và hoàng hậu được mai táng như: Hựu lăng - Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - Lăng vua Lê Túc Tông. Khi đến thăm, du khách sẽ thấy mỗi lăng mang một nét kiến trúc riêng và tượng chầu khác nhau, đặc biệt là lăng của Hoàng Thái hậu gây chú ý bởi tượng chầu đều là nữ.

Theo Công  Đạt - Thông Thiện/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load