Thứ năm 25/04/2024 13:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hướng đi cho các doanh nghiệp xi-măng

23:57 | 28/01/2014

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2013 vẫn được coi là năm thành công của ngành xi-măng khi hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong ngành đều hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Năm 2014 này, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN xi-măng dự báo chưa mấy khả quan, nhất là áp lực cạnh tranh trên thị trường xi-măng ngày càng gia tăng do sẽ có thêm năm dây chuyền sản xuất xi-măng đi vào hoạt động, trong khi nguồn cung xi-măng hiện đã dư thừa. Bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đó buộc mỗi DN xi-măng phải tự tìm kiếm, lựa chọn cho mình hướng đi hiệu quả nhất.


Dây chuyền đóng bao của Công ty cổ phần xi-măng Vicem Bút Sơn (Hà Nam). Ảnh: TRẦN HẢI

Ðiểm sáng của ngành xây dựng

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng công suất các nhà máy xi-măng đang hoạt động trên cả nước đạt hơn 70 triệu tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2013 khoảng 61 triệu tấn, đạt 107% so kế hoạch năm, tăng 13,9% so với năm 2012. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 47 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn; xuất khẩu khoảng 14 triệu tấn, tăng gần sáu triệu tấn so cùng kỳ.

Mặc dù năm qua, các DN xi-măng là một trong những điểm sáng của ngành xây dựng, nhưng thực tế vẫn còn không ít khó khăn. Nguồn cung xi-măng đã vượt cầu khoảng 10 triệu tấn. Thị trường bất động sản mới le lói tín hiệu tích cực. Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao và các DN vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ðặc biệt, tỷ giá hối đoái và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào như: điện, than, dầu... tiếp tục tăng (giá than tăng từ 37 đến 41% từ tháng 4-2013, giá điện tăng 5% từ tháng 8-2013...) đã tác động lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Trần Việt Thắng cho biết, một số dây chuyền xi-măng của tổng công ty đang trong quá trình trả nợ đầu tư cho nên chịu ảnh hưởng rất lớn từ chênh lệch tỷ giá cuối kỳ. Do nguồn vốn vay nước ngoài khá lớn cho nên riêng số chênh lệch tỷ giá cuối kỳ năm 2013 đã lên tới 715 tỷ đồng. Ðơn cử như Vicem Bỉm Sơn lãi khoảng 90 tỷ đồng, nhưng nếu tính chênh lệch tỷ giá thì lỗ. Hơn nữa, còn phải trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn 304 tỷ đồng, vì vậy đã tác động, làm giảm lợi nhuận của toàn tổng công ty. Bên cạnh đó, năm 2013 được đánh giá là năm thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài, đồng thời một số dây chuyền sản xuất xi-măng cũ phải dừng hoạt động bất khả kháng, thời gian sửa chữa kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của Vicem. Tuy nhiên với nỗ lực của mình, Vicem vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra. So với năm 2012, sản lượng sản xuất clanh-ke và xi-măng đều tăng 8,8%; tiêu thụ sản phẩm đạt hơn 24 triệu tấn, tăng 7,4%, trong đó, riêng sản phẩm xi-măng tăng 9,3%.

Cùng chung nhận xét, Giám đốc Công ty xi-măng Vicem Hoàng Thạch Ðào Ngọc Bình cho biết, mặc dù dây chuyền 3 của công ty đã đạt kỷ lục về thời gian chạy lò dài ngày (336 ngày/năm), đạt và vượt công suất thiết kế, tuy nhiên thiết bị lò nung dây chuyền 1 và 2 sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, thường xuyên xảy ra sự cố, phải dừng lò để sửa chữa. Hơn nữa, miền bắc tập trung nhiều nhà máy xi-măng có công suất lớn, có lợi thế về giá bán, xu thế sử dụng xi-măng giá thấp do khó khăn về kinh tế tất yếu dẫn đến cạnh tranh quyết liệt hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty. Một khó khăn khác là điều tiết sản xuất, đặc biệt là những tháng sau Tết Nguyên đán và trong mùa mưa. Ðây là những tháng tiêu thụ chậm và thấp, do vậy việc tiết giảm tối đa các chi phí và sắp xếp hợp lý lịch sản xuất, kinh doanh luôn được coi trọng. Công ty đã tổ chức lắp định vị GPS cho ô-tô có tải trọng hơn 20 tấn nhằm giảm thiểu chi phí vận tải, đồng thời tập trung duy tu, bảo dưỡng thiết bị vào những tháng nhàn rỗi này.

Khó khăn trong tiêu thụ trong nước buộc các DN xi-măng phải chuyển hướng ra nước ngoài. Công tác xuất khẩu xi-măng năm 2013 đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Con số khoảng 14 triệu tấn xuất khẩu là khá lớn, tuy nhiên hiệu quả còn thấp do các DN chưa phối hợp cùng xuất khẩu, sản phẩm xi-măng chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu là clanh-ke, còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh tại các thị trường xuất khẩu. Nhưng bù lại, xuất khẩu đã góp phần giảm áp lực tiêu thụ trong nước, đem lại nguồn ngoại tệ để trả nợ.

Chủ động điều tiết sản xuất

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới nhận định, thị trường xi-măng năm 2014 sẽ còn cạnh tranh cao hơn so với năm 2013. Năm 2013 đã có thêm bốn dây chuyền xi-măng mới đi vào sản xuất với công suất xấp xỉ năm triệu tấn. Dự kiến trong nửa cuối năm 2014, có thêm năm dây chuyền với công suất hơn bảy triệu tấn sẽ đưa vào vận hành, tiếp tục đẩy nguồn cung lên cao. Tuy nhiên, việc bổ sung công suất đó cũng không gây sốc đối với thị trường. Các dây chuyền được đưa vào vận hành gần cuối năm cho nên lượng cung bổ sung thực tế năm 2014 cũng không nhiều, khoảng hai đến ba triệu tấn. Mặt khác, do có sự điều chỉnh trong những năm vừa qua, năm 2015 sẽ chỉ có một dây chuyền mới đưa vào sản xuất.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho ngành xi-măng, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu và dự báo kịp thời tình hình cung, cầu xi-măng của cả nước. Tiếp tục rà soát thực hiện các dự án xi-măng trong kế hoạch giai đoạn 2012 - 2015 cũng như sau năm 2015 theo Quyết định 1488/QÐ-TTg về Quy hoạch phát triển công nghiệp xi-măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Ðôn đốc các nhà máy xi-măng triển khai nghiên cứu, lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải lò nung để phát điện. Ðồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện sản xuất, sử dụng các vật liệu xây không nung sử dụng xi-măng và phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai nhanh, mạnh làm đường bằng bê-tông xi-măng...

Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân các DN xi-măng cần "tự thân vận động", chủ động điều tiết hoạt động, bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường đòi hỏi nhiều đơn vị phải chủ động tính toán, giảm bớt mục tiêu kế hoạch trong năm 2014, xây dựng các giải pháp chủ động, phù hợp với tình hình thực tế. Chủ tịch HÐTV Vicem Lương Quang Khải cho biết: Vicem đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp để vượt qua khó khăn. Theo đó, tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát, tiết giảm, khoán định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, điện năng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao nhận và sử dụng hiệu quả nguồn than đầu vào nhằm tăng hiệu suất cho lò nung. Ðẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và sáng kiến đã được áp dụng thành công tại một số đơn vị thành viên cho cả tổng công ty. Cải thiện phương pháp bán hàng theo hướng đa dạng chủng loại sản phẩm, chuyển từ chiết khấu, giảm giá sang chế độ chăm sóc khách hàng (cả về vật chất lẫn tinh thần).

Nghiên cứu các sản phẩm đặc thù của Vicem phù hợp nhu cầu và xu hướng sử dụng của thị trường. Chẳng hạn như Vicem Hà Tiên 1 đang phát triển loại xi-măng mác cao có thể cấp phối với nhiều loại mác bê-tông, giá cả phải chăng nhằm giảm chi phí lưu kho, vận chuyển. Ðồng thời đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu DN, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường phối hợp hài hòa giữa các đơn vị thành viên trong sản xuất, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, phân vùng tiêu thụ, tránh chồng chéo, cạnh tranh nội bộ. Ðể tăng khả năng chạy lò dài ngày, Tổng công ty đang nghiên cứu, phối hợp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các dây chuyền sản xuất xi-măng nhằm tối ưu hóa hệ thống thiết bị và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Dự báo năm 2014, lượng cung xi-măng tiếp tục tăng. Nhà nước cũng có kế hoạch đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như: cầu đường, sân bay, bến cảng và các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ xi-măng. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh giữa các DN xi-măng trên thị trường trong nước vẫn ngày càng gia tăng. Vì vậy, tìm kiếm thị trường xuất khẩu trở thành hướng đi mới của nhiều DN xi-măng. Năm qua, xuất khẩu được coi là "cứu cánh" đối với nhiều DN song thực tế cho thấy, hiệu quả xuất khẩu vẫn chưa cao. Ðặc thù của sản phẩm xi-măng là nặng và cồng kềnh cho nên chi phí vận tải chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành. Các chuyên gia cho rằng, các DN xuất khẩu xi-măng cần ngồi lại, cùng nhau hợp tác, tìm kiếm những phương án xuất khẩu hiệu quả nhất. Nhất là việc đẩy lùi hiện tượng "mạnh ai người ấy bán", cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ðây cũng là một trong những lý do để các đối tác lợi dụng ép giá, giảm hiệu quả xuất khẩu.

Theo Nhandan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load