Thứ tư 24/04/2024 22:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững: Nhìn thẳng để vượt lên!

14:26 | 20/12/2018

(Xây dựng) - Bệnh thành tích chính là nguy cơ dễ đi đến tụt hậu và dễ phát sinh tư duy bao biện. Khi sa vào bao biện thì thành tích một, “vống” lên thành hai - ba. Kéo theo đó là không dám nhìn thẳng vào những gì còn yếu kém để có giải pháp khắc phục. Đang lộ rõ tình trạng lạc quan quá đà mà người đứng đầu của Đảng đã từng cảnh tỉnh: Không thể “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”! Cũng lại đang lộ rõ sợ sai nên chậm trễ và chần chừ trong giải quyết công việc mà thực tiễn đang rất nóng.

huong den tang truong kinh te ben vung nhin thang de vuot len
Mặc dù mới được đưa vào sử dụng nhưng nhiều đoạn trên tuyến QL1 qua tỉnh Phú Yên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.

1. Mới thấy thành tích thành tựu, những gì làm được là rất đáng ghi nhận và cổ vũ. Nhưng nếu lạc quan quá đà về thành tích sẽ là nguy cơ của bệnh chủ quan thỏa mãn. Nếu sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, và sợ sai cũng là nguy cơ của “hội chứng nhụt chí” trong hành động!

Năm 2018 sắp đi qua, từng bộ ngành và chính quyền 63 tỉnh thành sẽ tổng kết nhìn lại một năm những gì đã làm được, và cả những gì chưa? Thông điệp trong điều hành từ vĩ mô tới vi mô là xây dựng bằng được một Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động và phát triển”!

Vậy có gì khác, lãnh đạo từng bộ ngành, các tỉnh thành hãy tự soi, tự trả lời: Bộ ngành mình, tỉnh thành mình đã thật sự liêm chính chưa? Những văn bản chính sách ban ra đã thật sự là “kiến tạo” để bứt phá chưa? Hơn thế, là hành động trong một năm qua, trong hơn nửa nhiệm kỳ qua đã thật sự quyết liệt vì nước, vì dân chưa? Hãy thay những ngôn từ, câu chữ vút cao để tự khen nhau, tự ca ngợi thành tích, thành tựu, hãy mổ xẻ và nhìn thẳng vào những gì còn yếu kém, còn bất cập để có kế sách, biện pháp bứt lên nhanh. Nhìn từ gương mặt các “tư lệnh” bộ ngành vừa qua Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm còn có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, thì người đứng đầu các bộ ngành này nghĩ gì, nói gì khi năm cũ khép lại và một năm mới 2019 bắt đầu?

2. “Tư lệnh” ngành GD&ĐT có hay: Sức nóng của dư luận với những đổi mới của Giáo dục vì sao còn loay hoay, lúng túng thế nào không? Hãy chăm lo giáo dục từ gốc chứ không thể chạy theo, đuổi theo thi cử để “tung hê” là đổi mới giáo dục được. Gánh trách nhiệm lo sự học cho cả nước, từ vĩ mô chỉ đạo phải biết “nhấn” vào những gì là mấu chốt của giáo dục hiện nay. Có gì khác là dạy tốt, và học thế nào cho tốt? Ai dạy, chính là đội ngũ người thầy. Ai học, chính là hơn 22 triệu người học ở đủ các cấp học từ mẫu gáo cho đến đại học. Lãnh đạo ngành GD&ĐT có hiểu tâm thế người dạy và cả người học thế nào khi khoa học công nghệ trên thế giới thay đổi từng giờ, khi yêu cầu đào tạo nguồn lực thời công nghiệp 4.0 đã ngay trước mắt. Thế thì tư duy làm giáo dục phải đột phá, bứt phá thế nào để không tụt hậu. Bệnh thành tích trong giáo dục quá nặng nề, người đứng đầu sẽ có giải pháp dẹp đi thế nào? Đã nhìn ra thi giáo viên dạy giỏi cũng chỉ là như “diễn” chứ không thực chất, thì Bộ cần rà soát lại xem còn những gì cũng đang như “diễn” thế không? Nói liêm chính, chống lợi ích nhóm, nhưng dư luận đặt thẳng việc in sách giáo khoa lộ rõ có lợi ích nhóm, thì tư lệnh ngành GD&ĐT giải thích sao? Nói trao quyền tự chủ đại học, nhưng nhiều trường đang kêu đó là kiểu “tự chủ” nửa vời, vì Bộ còn như vừa buông một tay, còn tay kia vẫn muốn giữ. Rất nhiều vụ việc nóng trong giáo dục nảy sinh, nhưng cách chỉ đạo của Ngành từ vĩ mô cũng như giải pháp tình thế, kiểu đuổi theo, chạy theo sự vụ, sao có thể nói đổi mới giáo dục một cách có bài bản?

“Tư lệnh” ngành KH&ĐT giữ trọng trách rất lớn trong phân bổ điều chuyển và những phán quyết đầu tư của cả nước. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đi trước, giờ “sự đi trước” ấy Bộ đã triển khai đến đâu rồi? Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch giao thông cho đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch từng lĩnh vực cho đến quy hoạch các vùng miền và chiến lược đầu tư các dự án lớn còn đủ ngổn ngang kia? Vì sao quản lý, sử dụng đầu tư công còn lỏng lẻo? Vì sao nhiều dự án đội vốn quá khủng, nhiều dự án có tiền giải ngân quá chậm, rồi quá nhiều dự án “treo chờ”, thì vai trò, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT ở đâu? Không thể cứ “hát” vang bài ca “bứt phá” cái này, “đột phá” vào cái kia, mà thanh tra, kiểm toán sờ vào dự án nào cũng lộ ra những lỗ hổng, những bất cập. Trách nhiệm “gác cửa” kinh tế đất nước trong thu hút đầu tư phải chọn lọc các DN FDI thế nào, để có hiệu quả nhất, để không đón về những DN gây ô nhiễm môi trường rồi trốn thuế, né thuế với chuyển giá loạn xạ…

“Tư lệnh” ngành GTVT hứa rất mạnh với cử tri cả nước khi nhậm chức sẽ xử lý quyết liệt các bất cập, những “điểm nghẽn” các dự án BOT! Nhưng từ những lời hứa đến hành động thế nào? Mới thấy bạc tiền nhà nước đổ cho các công trình giao thông là rất lớn. Càng thêm hiểu việc đổi đất lấy hạ tầng cho các dự án giao thông đang đặt ra nhiều bất cập. Phê duyệt, ký tá các dự án không sát, không chuẩn từ khi trình dự án, cho đến thiết kế, thi công sau đó đội vốn khủng lên có không? Chả thiếu những dự án cứ “vống lên” về bạc tiền đầu tư chỉ cần một, thổi phồng lên gấp rưỡi, gấp đôi moi tiền ngân sách cũng là lỗ hổng cho “lợi ích nhóm” vụ lợi chen vào. Từ chuyện con đường 34 ngàn tỷ từ Quảng Ngãi về Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng đã lồi lõm ổ gà rồi đổ cho trời mưa gây bức xúc. Bây giờ lại đến con đường quốc lộ 1 qua Phú Yên đang hư hỏng nặng “phơi ra” chất lượng thi công cẩu thả. Những hố rộng như ổ trâu, ổ voi nhan nhản, nhiều chỗ đường sụt lún đến khó ngờ. Nhiều chỗ vừa sửa xong đã lại hỏng nặng hơn. Tư lệnh ngành GTVT xử rất mạnh tay với nhà thầu, nhưng 4.300 tỷ đồng chỉ để mở rộng 66km đường, nhưng chất lượng thi công yếu kém chềnh ềnh cả ra kia, trách nhiệm quản lý nhà nước thế nào? Dự án giao thông mà chất lượng vừa làm xong đã hỏng, thậm chí như cây cầu Vàm Cống chưa đưa vào sử dụng đã nứt, hỏi sao dư luận không bất bình? Nâng niu từng đồng ngân sách không thể tiêu xài bạc tiền khi chọn những đơn vị thi công non yếu thế này? Chính sách kiến tạo gì cũng phải hướng đến đầu tư hiệu quả. Bởi bạc tiền cho các dự án giao thông đều từ đi vay, từ trái phiếu Chính phủ mà quản lý buông lỏng thế này, rõ ràng Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể không thể đừng ngoài vòng trách nhiệm!

Dân chủ và công khai trong lấy phiếu tín nhiệm các “tư lệnh” bộ ngành cũng là cách giám sát của Quốc hội với những người được Quốc hội bầu và phê duyệt. Những “tư lệnh” bộ ngành có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều phải nhìn thẳng vào chính mình để có động lực vươn lên. Phải biết “nhấn vào” những việc trọng tâm, trọng điểm của lĩnh vực mình phụ trách. Phải lắng nghe dư luận, lắng nghe tiếng dân, lòng dân một cách thật sự cầu thị mới biết mình phải làm gì? Hãy bớt đi bài ca thành tích, hãy nói ít và làm nhiều, làm mạnh hơn. Đó chính là tư duy của người lãnh đạo và phong cách “chính khách” mà Đảng mong, người dân kỳ vọng!

3. Không chỉ các bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp phải soi lại chính mình, mà nhiều bộ trưởng người đứng đầu các tỉnh thành khác hãy tự soi, tự nêu gương trước trọng trách được giao xem đã thật sự vào cuộc “lăn xả” chưa? “Tư lệnh” Tài chính Đinh Tiến Dũng không thể cứ nhăm nhắm vào tăng thuế, tăng phí mà không nghĩ xem người dân và các DN đang khó gì? Chính phủ quyết liệt bứt phá, nhưng việc dừng thanh toán các dự án BT đang gây khó cho các DN chủ đầu tư làm ăn chỉn chu như một cú “phanh gấp” gây sốc, thì cần phải nhìn lại xem. Vì sao chuyên gia, học giả tài chính chả thiếu mà Nghị định, phương thức thanh toán BT để bịt lỗ hổng mãi không “ban ra” được? Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương nói gì về hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất khẩu ra các nước bị trả về quá nhiều kia? Bộ TN&MT giải thích sao về số hàng chục ngàn container phế thải gây ô nhiễm nhập về vô chủ không giảm đi mà còn chất ngất nhiều hơn ở các cảng cả nước kia? Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước nói gì về tình trạng tín dụng đen, đòi nợ thuê đang lũng đoạn khuynh đảo trật tự trị an xã hội, đẩy bao gia cảnh khó nghèo vào ngõ cụt, mà cứ nói khó xử lý là sao?

Hà Nội và TP.HCM nghĩ gì về những dự án “đội vốn” quá khủng, những dự án “treo chờ” mở ra quá nhiều. Hà Nội không chỉ nóng vụ “xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn liệu có né nể, có “xin - cho”, lợi ích nhóm không? Hàng loạt dự án BT phê duyệt “thổi vống” lên vốn đầu tư quá lớn mà Kiểm toán vừa chỉ ra, giờ xử lý ra sao? TP.HCM với hàng loạt dự án đầy tai tiếng, hàng loạt “cấp phó” sai phạm trong ký tá bị bắt giam, chờ kỷ luật, thì trách nhiệm cấp trên của các vị “cấp phó” của thời nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Tất Thành Cang là ai, mà sao cứ im hơi lặng tiếng “thin thít như thóc trong bồ” nghe quá lạ? Đến cả quyết định thu hồi khu “đất vàng” gần 5.000m2 ở 8 - 12 Lê Duẩn Q.1 vừa ban ra được vài ngày đã vội thu hồi về, chả hiểu trình độ, tư duy điều hành lãnh đạo của ông Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và “ban bệ” dưới quyền thế nào? Phải chăng người ký quyết định không nắm chắc luật? Bởi đó là vật chứng đang trong “vòng xoáy” điều tra đâu còn đó, sao đã vội thu hồi nhỉ? Còn kia, dư luận trái chiều về phát ngôn của ông Chủ tịch do kiểm tra, kiểm toán, thanh tra nhiều nên làm giảm sự năng động của cán bộ các sở ngành, và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Đó chính là phát ngôn như nhụt chí, sợ trách nhiệm có xứng với phong cách, tâm thế, bản lĩnh của một “chính khách”, của người đứng đầu một thành phố đông dân nhất nước không?

Chống bệnh thành tích, chống “đánh bóng tên tuổi” cá nhân, chính là chống “hội chứng” lạc quan quá đà! Đánh giá cán bộ tiếp tục đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ tới phải là những người tài năng tâm huyết thật sự, có bản lĩnh kiên cường, dứt khoát không thể là những người cơ hội “leo cao, luồn sâu” với mục đích tìm mọi cách được trao quyền rồi dùng quyền uy để toan tính vụ lợi cá nhân!

Không chỉ các bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp phải soi lại chính mình, mà nhiều bộ trưởng người đứng đầu các tỉnh thành khác hãy tự soi, tự nêu gương trước trọng trách được giao xem đã thật sự vào cuộc “lăn xả” chưa?

Đỗ Quang Đán

Theo

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load