Thứ năm 25/04/2024 12:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật đầu tư, xây dựng

21:23 | 11/11/2019

(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao tính thống nhất của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

hiep hoi bat dong san thanh pho ho chi minh kien nghi day manh hoan thien phap luat dau tu xay dung
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Thị trường sụt giảm mạnh nguồn cung

Theo HoREA, trong 02 năm gần đây, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Trong 04 năm qua, nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Năm 2018, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh bị sụt giảm mạnh, chỉ có 19 dự án được công nhận chủ đầu tư, 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 53 dự án được cấp Giấy phép xây dựng, với tổng số 39.959 căn hộ, với tổng diện tích đất 3.263.212 m2, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ và giảm 74% về tổng diện tích đất các dự án nhà ở so với năm 2017. Ngoài ra, chỉ có 8 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích 323.655 m2. Đồng thời, chỉ có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 28.316 căn nhà, giảm 16,31% về số lượng dự án và giảm 34,14% về số lượng căn nhà so với năm 2017.

9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 01 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; Không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; Chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp Giấy phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018, trong đó có đến 31 dự án nhà ở quy mô “vừa và nhỏ”, nhưng có 01 dự án đại đô thị tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ, tỷ lệ 63%, chiếm vị thế áp đảo trên thị trường.

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở dẫn đến giá nhà đất tăng do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít, đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

HoREA nhận thấy thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh về bản chất không xấu, vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013. Thị trường rơi vào tình thế khó khăn chỉ có tính nhất thời nguyên nhân do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có “độ trễ” nên cần có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn tránh tình trạng sụt giảm quy mô thị trường trong thời gian tới dẫn đến nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

Cần môi trường kinh doanh bất động sản lành mạnh

Để kiến tạo môi trường kinh doanh đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, trong đó có lĩnh vực bất động sản, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản (bao gồm cả các văn bản dưới Luật), đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông. Thực hiện lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp trong năm 2019; Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và Đề án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong năm 2020.

Trước mắt, đề nghị các Bộ, ngành tập trung giải quyết các vướng mắc, xung đột giữa một số quy phạm pháp luật của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, giữa Luật Đầu tư với Luật Quy hoạch đô thị. Có cơ chế để giải quyết phần đất công (bao gồm đất rạch, đường, bờ đất) thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở. Có cơ chế để giải quyết các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp và công tác tính tiền sử dụng đất, để khai thông các vướng mắc và ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load