Thứ năm 25/04/2024 19:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Tĩnh: Giá đất, cát tăng cao do việc quy hoạch, cấp phép chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng

09:43 | 17/07/2019

(Xây dựng) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khoá XVII, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Tĩnh cho rằng: “Thời gian qua, xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân là do việc cấp phép chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép hoạt động, ảnh hưởng của các công trình xây dựng mới”.


Theo ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh thì hiện nay cát xây dựng mới chỉ đáp ứng được 3,5%; đất san lấp là 32% nhu cầu thị trường trong tỉnh.

Tình trạng khan hiếm VLXD như cát, đất tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến hiện trạng xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là các công trình hạ tầng Nông thôn mới.

Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, việc cấp phép thời gian qua đối với cát xây dựng mới chỉ đáp ứng được 3,5%; đất san lấp là 32% nhu cầu. Việc cấp phép chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép hoạt động; ảnh hưởng của các công trình xây dựng dày đặc; sự ra quân quyết liệt của Công an tỉnh, các địa phương trong việc siết chặt hoạt động khai thác VLXD trái phép… là những nguyên nhân đẩy giá VLXD tăng cao trong thời gian vừa qua.

Hiện nay, 95% đơn vị khai thác cát đang tạm dừng hoạt động để thay đổi phương án khai thác, điều chỉnh, bổ sung các trang thiết bị khai thác mới. Về giải pháp xử lý tình trạng VLXD đặc biệt là cát tăng cao sắp tới, theo ông Hồ Huy Thành: “Tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá cao các mỏ nằm trong quy hoạch; hoàn thành bổ sung quy hoạch 21 mỏ đất san lấp; 2 mỏ cát tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên và ra quân xử lý triệt để tình trạng khai thác VLXD trái phép”.


Toàn cảnh kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII.

Tính đến tháng 6/2019, Hà Tĩnh triển khai cấp phép cho 13 mỏ đất san lấp với diện tích 116ha, tổng công suất 1,3 triệu tấn năm; cấp 10 mỏ cát, diện tích 27ha với tổng công suất 103 ngàn m3/năm.

Theo quy hoạch mỏ VLXD trên địa bàn, dự báo đến 2020 toàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 cát/năm và 4 triệu m3 đất san lấp/năm. Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu đặt câu hỏi: “Tình trạng quy hoạch không đủ yêu cầu, quy hoạch nhưng không khai thác được đã đẩy giá cát tăng cao trong thời gian qua, trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào kiểm soát nạn cát tặc?”.

Còn Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần thì đưa ra thắc mắc: “Việc đánh giá trữ lượng để cấp mỏ VLXD một số nơi chưa chính xác dẫn đến thực trạng giấy phép còn nhưng trữ lượng không còn để khai thác. Trách nhiệm của Sở như thế nào?”.

Ông Thành cho rằng: “Quy hoạch khoáng sản được HĐND tỉnh thông qua được tính toán, xác định, ban hành quy hoạch mỏ dự theo quy hoạch kinh tế - xã hội trước đây. Tuy nhiên, việc thực hiện đã không hiệu quả, xảy ra thừa thiếu cục bộ”.

Về câu hỏi hoạt động khai thác mỏ không đảm bảo môi trường, không hoàn trả môi trường sau khai thác, làm gì để hạn chế tình trạng này? Theo ông Thành, các mỏ trước khi khai thác phải hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các chủ mỏ buộc phải chấp hành báo cáo tác động môi trường đã được duyệt. Tuy nhiên, hầu hết các chủ mỏ đều lơ là, không chấp hành tốt trong khi việc khai các mỏ đá, đất thường gây ra ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Mặc dù Ngành có kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất nhưng số lượng còn ít, đây là một vấn đề bất cấp và chưa khắc phục được.

Giải trình về công tác quản lý quy hoạch cơ sở sản xuất VLXD thông thường, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh khẳng định: “Tỉnh sẽ thực hiện rà soát, kiên quyết chấm dứt các nhà máy không có nguồn nguyên liệu và không có kế hoạch chuyển đổi công nghệ sang sử dụng đất đồi. Đối với các nhà máy còn lại sẽ xác định lộ trình chấm dứt hoạt động theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh. Cùng với đó, sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo Ngành, địa phương tiếp tục ra soát, bổ sung các khu vực mỏ sét vào quy hoạch khoáng sản”.

Ông Lê Đình Sơn - Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Tình trạng mất cân đối cung cầu VLXD trong thời gian qua đề nghị các đơn vị liên quan cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình. Nhận thức nghiêm túc, đánh giá đồng bộ để đảm bảo nguồn cung VLXD cho người dân. Đồng thời đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, mạnh dạn cấp mỏ đúng”.

Phương Dung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load