Thứ sáu 29/03/2024 16:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Quy hoạch phải đi trước một bước

14:08 | 04/10/2019

(Xây dựng) - Trước yêu cầu xây dựng Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập sâu rộng, TP Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu công tác quy hoạch phải luôn đi trước một bước, đồng thời phải công khai, để người dân không bị bất ngờ về quy hoạch.


Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện vì mục tiêu một Thủ đô hiện đại, văn minh, xứng tầm khu vực và quốc tế trong tương lai không xa.

Xây dựng lộ trình để công khai quy hoạch

Sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, chính sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội đã đặt ra không ít thách thức cho Thủ đô, đặc biệt là công tác quy hoạch, hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng đã trở nên quá tải với tốc độ gia tăng dân số nhanh.

Mới đây, tại buổi làm việc với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cần chủ động thực hiện một số nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo Viện cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ hợp lý, đúng vị trí việc làm. Viện cần chuẩn hóa quy trình công tác đào tạo cán bộ; xây dựng văn hóa cơ quan; tập trung nâng cao chất lượng cạnh tranh trong quy hoạch; xây dựng quy trình quản lý chất lượng...

Ngoài ra, Viện cũng cần xây dựng lộ trình để công khai quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc theo dõi của người dân, coi đây như một biện pháp cải cách hành chính, để người dân tham gia đóng góp ý kiến; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính về quy hoạch qua mạng internet.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Viện đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu của UBND thành phố trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, nổi bật là: Triển khai Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập đề cương Đề án nghiên cứu tổng thể các điểm xây dựng nhà ở, trường mầm non, trường học công lập cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố... 6 tháng đầu năm, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt 5 nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết.

Trước mắt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tập trung vào những nhiệm vụ còn triển khai chậm, đã được UBND thành phố chỉ rõ, bởi "quy hoạch cần đi trước một bước". Đối với các huyện chuẩn bị trở thành quận, Viện phải nâng cấp các quy hoạch này thành quy hoạch đô thị.

Viện cần mở rộng hợp tác trong quy hoạch đối với các bộ, ngành trung ương, các địa phương khác, coi đây là trách nhiệm của Thủ đô. Viện cũng cần dành thời gian nghiên cứu để tham mưu cho thành phố về kiến trúc xây dựng của thành phố; thường xuyên hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quy hoạch, quản lý từ các đối tác quốc tế.

Nông nghiệp Hà Nội phải đi trước, đi đầu cả nước

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, sau 10 năm thực hiện, nhận thức về nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân được nâng lên; Hà Nội cũng ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Hà Nội đã huy động được nguồn lực lớn cho công tác này, đầu tư xây dựng các thiết chế hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, gắn với lộ trình đô thị hóa...

Đặc biệt, Hà Nội đã tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản... Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn Hà Nội cao hơn bình quân chung của toàn quốc; tỷ lệ hộ nghèo giảm...


Đến nay, thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. (Ảnh: Internet).

Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển mạnh mẽ các trung tâm đô thị vệ tinh, vì vậy, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, quy hoạch thống nhất, không để phá vỡ quy hoạch… Nông thôn Hà Nội cần gìn giữ văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, thanh lịch, sâu sắc và bản sắc.

Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã đóng góp nhiều cho việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, đặc biệt trong đó có các chỉ tiêu đã về đích trước 2 năm (tính đến hết năm 2018).

Đó là có 352 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 84,2% (kế hoạch nhiệm kỳ là 80%); tỷ lệ trường công lập 4 cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt 66,2% (kế hoạch là 65-70%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới còn 1,16% (kế hoạch là dưới 1,2%). Bên cạnh đó, còn rất nhiều kết quả nổi bật đã được làm rõ tại hội nghị.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, liên tục trong 2 nhiệm kỳ, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban.

Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, Thành phố cũng tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Trong 10 năm qua, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đạt trên 76,4 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng; ngân sách Thành phố gần 26 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp huyện trên 32,2 nghìn tỷ đồng; ngân sách cấp xã trên 3,4 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách trong giai đoạn này đạt trên 14,7 nghìn tỷ đồng.

Từ nguồn lực trên, Thành phố đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong 10 năm qua, toàn Thành phố đã làm mới 368km, nâng cấp cải tạo trên 5,5 nghìn km đường giao thông nông thôn; xây mới trên 1,8 nghìn km kênh mương cấp 3… Đặc biệt, toàn Thành phố đã xây dựng mới 481 trường, nâng cấp cải tạo 987 trường Trung học cơ sở, Tiểu học mà mầm non đạt chuẩn...

Xác định công tác dồn điền, đổi thửa là nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thực hiện công tác này. Đến nay, toàn Thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%). Mỗi hộ gia đình trước dồn điền, đổi thửa trung bình có từ 10 - 15 ô, thửa thì đến nay, chủ yếu chỉ còn 1-2 ô, thửa. Cùng với đó, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên doanh, liên kết, sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt bình quân 3,34%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Năm 2018, lĩnh vực trồng trọt chiếm 41,24%, giảm 2,18% so với năm 2010; chăn nuôi chiếm 46,34%, tăng 0,38% so với năm 2010; thủy sản chiếm 8,02%, tăng 1,03% so với năm 2010...

Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm mục tiêu Chương trình đề ra (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm). Đặc biệt, toàn Thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, với giá trị sản xuất bình quân đạt từ 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm. Cùng với đó, đã hình thành 134 mô hình liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới, đến nay, TP Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, Thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất hoàn thiện hồ sơ trình công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019. Đối với các xã, đến nay, toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra).

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 là 13 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố đã giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 1,16% (cuối năm 2018), trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 5,43% (đầu năm 2016) xuống còn 1,81% (cuối năm 2018).

Nhìn lại bức tranh Thủ đô sau hàng thập kỷ phát triển cho thấy, những thành quả bước đầu đã đổi thay toàn diện, sâu sắc, dần có tính bền vững trên các lĩnh vực. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, do đặc thù của Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính đã tạo ra những thách thức mới về công tác quản lý Nhà nước theo lĩnh vực của ngành, đó là làm sao để xây dựng một chương trình quy hoạch chung đảm bảo sự đồng nhất giữa khu vực nội đô với các khu vực nông thôn, miền núi; dân số tăng quá nhanh dẫn đến những đòi hỏi về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội; đặc biệt ở khu vực nội đô lịch sử, việc đập đi xây mới gần như là không thể, nên phải có những thiết kế đô thị phù hợp...

Như vậy, công tác quy hoạch cấp thiết phải đi trước một bước và có kế hoạch dài hạn. Công tác này không chỉ là việc riêng của sở, ngành chuyên môn mà cần phải có sự vào cuộc chung của các quận, huyện trên toàn thành phố.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load