Thứ sáu 19/04/2024 13:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Báo động tình trạng quá tải chất thải rắn

23:08 | 05/12/2019

(Xây dựng) – Tại thành phố Hà Nội, mỗi ngày có đến hơn 4000 tấn rác được thải ra, số ít trong đó được xử lý, tái chế, phần lớn số còn lại không qua xử lý hoặc sử dụng các biện pháp lạc hậu như đốt, chôn lấp và đổ thẳng ra môi trường.

Hà Nội: Báo động tình trạng quá tải chất thải rắn
Các công nghệ lạc hậu như đốt, chôn lấp tác động xấu đến môi trường.

Có thể nói, một trong những khó khăn và tồn tại trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tại Thủ đô Hà Nội hiện nay là các khu xử lý chất thải rắn đã quá tải. Dự kiến đến năm 2020, nếu không có hệ thống chính sách phù hợp, Hà Nội sẽ rơi vào khủng hoảng chất thải rắn.

Ngoài rác thải sinh hoạt, do nhu cầu xây dựng cao nên lượng phế thải khi phá bỏ công trình cũ khiến các khu xử lý quá tải. Đáng chú ý, một số lượng rất lớn chất thải rắn bị đổ trộm tại các khu đất trống, đất nông nghiệp, ao hồ hoặc ven sông.

Được biết, cả nước có hơn 1000 cơ sở xử lý rác, gồm khoảng 380 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, hơn 900 bãi chôn lấp. Trong số đó, có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, không tuân theo tiêu chuẩn. Chỉ tính riêng Hà Nội có tới 85 - 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Chính vì thế, các bãi chôn lấp tại các thành phố lớn đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến người dân.

Phần lớn lò đốt chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu về xử lý khí thải, tác động xấu đến chất lượng không khí. Mặt khác, đối với các dây chuyền sản xuất phân compost, tìm đầu ra cho sản phẩm là bài toán nan giải. Đơn giản là vì nguồn rác đầu vào không được phân loại triệt để nên thành phẩm chứa nhiều tạp chất, có thể không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng…

Các phương pháp xử lý khác như: Đồng xử lý trong lò nung xi măng; Công nghệ đốt không thu hồi năng lượng; Công nghệ đốt thu hồi năng lượng… hoặc các công nghệ như quá trình vi sinh khô, metan hóa, cacbon hóa, sản xuất viên nhiên liệu cần xem xét đầu tư kết hợp với các công nghệ khác mới thực sự hiệu quả.

Thực tế cho thấy, tình trạng đổ trộm rác sinh hoạt, phế thải xây dựng xuống sông, hồ, thậm chí là đổ thẳng ra… đại lộ đang là vấn nạn nhức nhối. Điển hình là tại tuyến Đại lộ Thăng Long chìm trong khói bụi và ô nhiễm do rác thải đổ tràn lan khắp 2 bên đường. Ngoài ra, một số điểm có lượng phế thải xây dựng dày đặc như khu vực cầu chui đê hữu sông Nhuệ, hướng đi Hòa Lạc; khu vực cầu vượt Lê Quang Ðạo (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), nhiều nhánh đường thuộc khu vực Hoài Đức, Tây Mỗ, khu vực Cảng Hà Nội, ven đê sông Hồng, đoạn đường Nhật Tân…

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng “bức tử” các dòng sông của thành phố, tuy nhiên vấn nạn đổ trộm vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo các chuyên gia môi trường, để xử lý triệt để tình trạng trên, giảm thiểu tác động môi trường thì cần giải quyết từ quá trình thu gom và xử lý rác. Đồng thời đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát quy trình xử lý thu gom rác. Vấn đề dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn hiệu quả, chất lượng cũng là bài toán nan giải – khi chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như cơ chế chính sách hợp lý để có thể phát triển các mô hình trạm xử lý chất thải.

Có thể nói, để hướng tới một xã hội văn minh, xanh – sạch – đẹp và phát triển bền vững, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân từ việc hạn chế sử dụng, tự tái chế và phân loại rác ngay từ đầu. Đồng thời, các công nghệ xử lý chất thải rắn cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Cuối cùng, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải xây dựng lộ trình để quản lý chất thải rắn trong tương lai về các lĩnh vực như công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, cơ chế chính sách phù hợp.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load