Thứ năm 25/04/2024 08:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Góp ý Đề xuất dự án quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TP Hồ Chí Minh vay vốn ODA Đan Mạch

12:41 | 17/08/2019

(Xây dựng) – Phúc đáp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng vừa có văn bản góp ý Đề xuất dự án quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TP Hồ Chí Minh vay vốn ODA Đan Mạch (Đề xuất Dự án).


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Đề xuất Dự án cần làm rõ nội dung kế thừa, tiếp nối các chương trình, dự án đã và đang triển khai thực hiện nhằm tránh trùng lặp, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả dự án.

Đề xuất Dự án cần xác định cụ thể tên các tỉnh lân cận thuộc lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai; bổ sung bản đồ xác định ranh giới Đề xuất dự án.

Mục tiêu hiện đại hoá và xây dựng các trạm khí tượng, thuỷ văn là mục tiêu không phù hợp đối với TP Hồ Chí Minh (việc xây dựng thêm một trạm đo mưa, đo mực nước, xây dựng đội ngũ dự báo đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí lớn). Mặt khác với một mô hình tính toán và các số liệu xả lũ từ hồ Trị An, hồ Phước Hoà, hồ Dầu Tiếng đồng thời bị tác động từ lũ vùng Đồng Tháp Mười và mực nước triều từ biển có thể xác định được mực nước các vị trí một cách tương đối chính xác; Mục tiêu về xây dựng và nâng cao năng lực, thể chế, năng lực quản lý cần bổ sung đối với các địa phương khác không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh.

Cần làm rõ “các tổ chức có liên quan” trong phần mục tiêu chung là tổ chức nào, nếu chỉ riêng TP Hồ Chí Minh sẽ không khả thi.

Bổ sung đánh giá về thực trạng hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải, tình hình ngập úng, dự báo nguy cơ ngập úng, lũ lụt xảy ra đối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong ranh giới nghiên cứu của dự án (lưu ý đánh giá nguyên nhân ngập từ mực nước thuỷ triều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa, xả lũ các hồ thuộc lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn, năng lực hệ thống thoát nước tại các đô thị, san lấp kênh rạch phát triển đô thị…). Đặc biệt, việc đánh giá hiệu quả, khó khăn của các dự án thoát nước chống ngập đã và đang thực hiện trong vùng nghiên cứu của dự án; Thực trạng hoạt động của các trạm, thiết bị quan trắc, rada, trạm đo thủy văn… hiện có thuộc lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai.

Làm rõ căn cứ, sự cần thiết, hiệu quả đối với đề xuất xây dựng trụ sở Ban Quản lý vận hành hệ thống chống ngập; Đề xuất Dự án cần mời tư vấn phản biện độc lập để cho ý kiến về giải pháp kỹ thuật và kinh phí trước khi thẩm định.

TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cũng như các tỉnh trong khu vực nghiên cứu đã có các quy hoạch liên quan đến thoát nước và chống ngập. Vì vậy, các nội dung đề xuất của dự án như xây dựng mô hình thủy lực, dự báo ngập úng cần có tính kế thừa và xây dựng cơ chế phối hợp, tham gia, trách nhiệm giữa các địa phương để quản lý chặt chẽ từ khi đề xuất dự án và được đồng thuận của các địa phương.

Về dự kiến kết quả chính của dự án cần làm rõ căn cứ khi dự kiến có 3 hợp phần và lưu ý các nội dung sau: Nội dung của 3 hợp phần chủ yếu tập trung cho TP Hồ Chí Minh là chưa phù hợp với phạm vi nghiên cứu và mục tiêu của dự án. Cần làm rõ nội dung đối với các tỉnh thuộc lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai; Xem xét làm rõ sự cần thiết thành lập Ban Quản lý vận hành hệ thống chống ngập thành phố trực thuộc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Hợp phần 1: Rà soát, kết hợp và kế thừa kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016; Hợp phần 3: Bổ sung nội dung nâng cao năng lực quản lý phù hợp với mục tiêu cụ thể của Đề xuất Dự án.

Bổ sung căn cứ dự trù kinh phí cho các hạng mục triển khai của dự án.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Huyền Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load