Thứ sáu 19/04/2024 22:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giải pháp nào cho vấn đề không gian công cộng ở các thành phố?

14:24 | 06/09/2019

(Xây dựng) – Ngày 04/9, Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) đã tổ chức Tọa đàm “Không gian công cộng và sự tham gia của người dân” nhằm tìm kiếm các giải pháp bảo vệ, cải tạo và mở rộng không gian công cộng (KGCC) tại các thành phố.

 


Ông Lê Quang Bình - Chủ tịch PPWG điều phối Tọa đàm “Không gian công cộng và sự tham gia của người dân”.

Sau khi được mở rộng từ năm 2008, diện mạo chung của Hà Nội đã có nhiều thay đổi, hiện đại hơn, nhưng KGCC của thành phố đang chịu nhiều sức ép từ các mục đích sử dụng khác như phát triển hạ tầng giao thông đô thị, các hoạt động mưu sinh của người dân.

Trước tình hình này, một số tổ chức xã hội và cộng đồng người dân đã nỗ lực cải tạo, mở rộng KGCC, nhưng các nỗ lực này còn nhỏ lẻ, rời rạc và chưa tạo ra được bước ngoặt để cùng Nhà nước nâng cao chất lượng môi trường đô thị và lối sống khỏe mạnh của người dân Hà Nội.


Tọa đàm có 50 khách mời, đại biểu đến từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức cộng đồng.

Chính vì vậy, PPWG đã tổ chức Tọa đàm “Không gian công cộng và sự tham gia của người dân” nhằm tìm kiếm các giải pháp để người dân, các tổ chức xã hội và chính quyền các thành phố chung tay bảo vệ, cải tạo và mở rộng các KGCC. Tọa đàm có sự tham dự của hơn 50 khách mời, đại biểu đến từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức cộng đồng.

Vì sao Hà Nội ngày càng thiếu thốn KGCC?

Mở đầu chương trình Tọa đàm, PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương đến Viện nghiên cứu văn hóa đã chia sẻ kết quả nghiên cứu “Quyền đối với thành phố: Không gian công cộng Hà Nội và sự tham gia của người dân”.


PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương đến Viện nghiên cứu văn hóa chia sẻ về vai trò của KGCC tại các thành phố.

Nghiên cứu đã khẳng định KGCC có vai trò vô cùng quan trọng giúp thay đổi bộ mặt đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân thông qua sự tương tác của con người với con người, con người với thiên nhiên, lưu giữ các ký ức chung và tạo dựng nên các biểu tượng gắn liền với một thành phố.

Riêng tại Hà Nội, KGCC tồn tại dưới 3 loại hình: KGCC chính thống như quảng trường, công viên, phố đi bộ, vườn hoa cây xanh, hồ nước.. KGCC phi chính thống như vỉa hè, đại siêu thị… và không gian cộng đồng như làng trong phố, khu tập thể, khu đô thị mới…

 
Ông Đinh Đặng Hải - Chuyên gia cao cấp của Health Bridge đề xuất Nhà nước xây dựng các chính sách nâng cao vai trò của người dân trong việc xây dựng các KGCC.

Nhưng hiện nay, KGCC tại Hà Nội đang bị thu hẹp, lấn chiếm, tư nhân hoá và thương mại hoá. Tình trạng thiếu thốn KGCC của người dân tại Hà Nội có thể nhìn thấy rõ vào các dịp cuối tuần khi cả nghìn người tập trung ở các khu phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Các đại siêu thị tích hợp khu mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu giải trí... cũng là một KGCC được người dân Hà Nội thường xuyên tìm đến trong những năm gần đây.

Theo đánh giá của PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương, KGCC tại Hà Nội đang bị thu hẹp vì quỹ đất không còn nhiều, chưa có nhà đầu tư, người dân không có nhiều vai trò và đây cũng chưa được coi là một vấn đề cấp bách.

Các cơ quan Nhà nước có quan tâm đến việc quy hoạch, thiết kế và xây dựng các KGCC, nhưng diện tích KGCC hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Việc phát triển kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển không gian đô thị Hà Nội.

Giải quyết vấn đề KGCC như thế nào?

Trong nghiên cứu của mình, PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương khẳng định, cộng đồng đóng vai trò không thể xóa bỏ trong việc cải tạo, mở rộng và bảo vệ KGCC tại các thành phố với các biểu hiện dễ nhận thấy nhất là bảo vệ các KGCC hiện có, đấu tranh với chủ đầu tư để tìm kiếm KGCC trong các chung cư, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các KGCC...


Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - người đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sân chơi cộng đồng tại các thành phố.

Ông Đinh Đặng Hải - Chuyên gia cao cấp của Health Bridge cho biết: Các KGCC có liên quan rất mật thiết đến sức khỏe của người dân thông qua các hoạt động vui chơi, tập thể dục thể thao... Tuy nhiên, kết quả những cuộc nghiên cứu gần nhất cho thấy, mỗi người dân Hà Nội chỉ có KGCC bằng đúng 1 viên gạch. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có những chính sách để người dân tham gia xây dựng KGCC phục vụ nhu cầu thiết thực của chính họ, thay vì rập khuôn xây dựng các KGCC giống nhau cho tất cả các khu vực.

Thực tế, Nhà nước đang xây dựng nhiều KGCC mà người dân rất khó tiếp cận vì khoảng cách xa, tổ chức khép kín hoặc có tính phí. Chẳng vậy mà Hà Nội đã quy hoạch nhiều công viên với mục tiêu mỗi người dân sẽ có khoảng 3 mét vuông KGCC, nhưng thực tế là nhiều người không thể tiếp cận.

Theo kinh nghiệm quốc tế của Health Bridge, không một thành phố nào chỉ có KGCC do chính quyền xây dựng. Tại nhiều nước trên thế giới, người dân sẽ được phép tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng các KGCC và những phòng thu thập ý kiến của người dân tại Canada là một ví dụ điển hình. 

Health Bridge cũng nhận thấy vai trò của người dân ở Việt Nam khi hỗ trợ TP Hội An xây dựng KGCC trong vòng 5 năm. Ở một số địa phương, người dân đóng góp đến 80% công sức và tiền bạc để xây dựng các KGCC. Chính vì vậy, Health Bridge cho rằng, Nhà nước phải có chính sách phù hợp để phát huy tiềm lực của người dân nhằm giảm gánh nặng Ngân sách và xây dựng các KGCC có chất lượng tốt nhất.


Một vị khách mời tham dự Tọa đàm đóng góp ý kiến để cải thiện KGCC tại Hà Nội.

Đồng quan điểm với ông Đinh Đặng Hải, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) cũng đề cao vai trò của người dân trong việc xây dựng các KGCC tại đô thị.

Sau 5 năm hoạt động, TPG đã xây dựng hơn 120 sân chơi cộng đồng trên khắp cả nước. Trước khi xây dựng các sân chơi, TPG luôn tổ chức hỏi ý kiến người dân địa phương để tìm kiếm sự ủng hộ và thiết kế sân chơi phù hợp với nhu cầu của từng khu vực. Sau khi sân chơi hoàn thành, TPG sẽ bàn giao cho cộng đồng quản lý, nhưng vẫn tổ chức các hoạt động kiểm tra để kịp thời sữa chữa, cải tạo khi cần thiết.

Trong thời gian diễn ra Tọa đàm, nhiều vị đại biểu khách mời cũng đưa ra các ý kiến để cải tạo KGCC của Hà Nội như nâng cao vai trò quy hoạch và thiết kế KGCC của Nhà nước, áp dụng các chính sách kêu gọi tham gia và hỗ trợ của các tổ chức nghiên cứu khoa học, các tổ chức phi chính phủ... phát triển các sáng kiến về KGCC, lồng ghép yếu tố thiên nhiên vào các KGCC để thu hút mọi người (cây xanh, hồ nước...), biến không gian tại các cơ quan Nhà nước thành KGCC, bổ sung các KGCC tâm linh...

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load