Thứ năm 28/03/2024 17:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giải pháp minh bạch, phòng chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng: Cần chế tài xử phạt đủ sức răn đe

21:08 | 09/12/2019

(Xây dựng) – Không thiếu giải pháp minh bạch, phòng chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng, nhưng do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

giai phap minh bach phong chong tham nhung trong dau tu xay dung can che tai xu phat du suc ran de
Mức phạt theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP khá thấp so với khoản lợi nhuận khổng lồ mà các chủ đầu tư thu được từ việc thực hiện các hành vi vi phạm (Ảnh ĐT).

Pháp luật về đầu tư xây dựng đã đầy đủ

Nhằm công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, Điều 14, Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-VPQH ngày 12/12/2012, hợp nhất Luật Phòng, chống tham nhũng do Văn phòng Quốc hội ban hành đã quy định khá cụ thể và đầy đủ 04 nội dung: Thứ nhất, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, phải công khai, minh bạch các nội dung: Báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; Quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; Báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.

Thứ hai, dự án quy hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi quy hoạch về nội dung và sau khi được phê duyệt phải được công khai về các nội dung. Thứ ba, dự án đầu tư xây dựng từ ngân sách địa phương phải được HĐND xem xét, quyết định. Thứ tư, dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt phải được công khai về nội dung để nhân dân giám sát.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng không chỉ thường xuyên triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng, những nội dung này được lồng ghép, xuyên suốt trong quá trình soạn thảo, trình ban hành các đạo luật liên quan đến đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã lồng ghép các nội dung nhằm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng vào các quy định của pháp luật như: Minh bạch về năng lực hoạt động xây dựng của các chủ thể tham gia, chất lượng công trình xây dựng, kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng trước khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, suất đầu tư xây dựng công trình, đơn giá, định mức, dự toán xây dựng công trình…

Tăng chế tài xử phạt

Mặc dù quy định pháp luật đã tương đối đầy đủ, rõ ràng nhưng ở nhiều địa phương, nhiều dự án vẫn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nhiều dự án chậm triển khai, đội vốn gấp nhiều lần, nhiều công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch, nhiều công trình không tuân thủ các thủ tục về đầu tư xây dựng (không có đề xuất chủ trương đầu tư, không có giấy phép xây dựng…).

Đánh giá về những quy định và mức độ xử lý các vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, Luật Xây dựng đang thiếu các chế tài xử phạt đủ mạnh để xử lý các sai phạm này. Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư vi phạm sẽ bị phạt tối đa 1 tỷ đồng. Mức phạt này là thấp so với khoản lợi nhuận khổng lồ mà các chủ đầu tư thu được từ việc thực hiện các hành vi vi phạm.

Còn theo Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, tại quy định về áp dụng biện pháp khắc phục, chủ đầu tư buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt, cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng. Nhưng trên thực tế hình thức xử phạt này khó thực hiện do các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, trì hoãn, trong khi điều kiện vật chất của các cơ quan chức năng để thực hiện biện pháp cưỡng chế còn nhiều khó khăn, chưa kể đến việc tháo dỡ sẽ gây ảnh hưởng đến các hộ dân trong công trình hoặc gây thiệt hại cho các hộ dân mua phải căn hộ xây dựng sai phép.

Tuy nhiên, việc tăng chế tài xử phạt trong Luật Xây dựng chỉ là giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài, căn cơ là phải nâng cao chất lượng nội dung các văn bản luật, hướng tới Quốc hội phải thông qua cả bộ luật (không phải là Luật khung như hiện nay, sau đó lại có Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật), cũng như tăng số lượng Đại biểu Quốc hội chuyên trách để các đại biểu chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thể để diễn ra tình trạng như một Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thừa nhận, khi Quốc hội bàn đến những vấn đề nóng, khó thì không phải đại biểu nào cũng nắm rõ và rất hiếm có đại biểu quốc hội thuê luật sư nghiên cứu, xây dựng luật để đóng góp chung cho Quốc hội, cho đất nước.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load