Thứ sáu 26/04/2024 04:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi: Giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển

14:59 | 16/09/2019

(Xây dựng) – Ngày 15/9, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh và Viện Đào tạo tư vấn và phát triển kinh tế cùng tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng: Cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và phát triển BĐS hiện nay”.


Các đại biểu tham gia góp ý cho dự án Luật Xây dựng sửa đổi bổ sung một số điều.

Bất cập cần sửa đổi, bổ sung

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng kể từ khi có hiệu lực, Luật Xây dựng đã giúp công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xây dựng được chặt chẽ hơn. Ông Lê Quang Huy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực thì Luật Xây dựng vẫn còn những hạn chế bất cập như tính đồng bộ của pháp luật với các Luật chuyên ngành khác.

Để phù hợp với tình hình mới, đòi hỏi phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, cụ thể: Một số định hướng trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Một số quy định tại các Điều 57, Điều 58, Điều 82, Điều 83 về nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý Nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với nguyên tắc: Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm soát nội dung thuộc chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, kiểm soát sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp tính định mức, đơn giá của các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể của dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng.

Nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng tại Điều 83 và cấp giấy phép xây dựng tại Điều 91, Điều 95 còn có một số điểm trùng lặp như đánh giá về an toàn công trình, an toàn môi trường, phòng, chống cháy nổ, năng lực của tổ chức, cá nhân thiết kế; điều kiện cấp giấy phép xây dựng chưa phù hợp với một số loại công trình; thời gian cấp giấy phép xây dựng còn dài.

Việc thành lập, vận hành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban Quản lý chuyên ngành, khu vực) quy định tại Điều 62 bắt buộc đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách của Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty Nhà nước trong một số trường hợp khó thực hiện như một số Bộ, cơ quan ngang Bộ có rất ít dự án, dự án quy mô nhỏ. Do đó, việc duy trì Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực khó thực hiện do không đủ kinh phí lấy từ chi phí quản lý dự án theo quy định; các Tập đoàn, Tổng Cty thực hiện đầu tư xây dựng theo nhiều hình thức: Đầu tư tại các Cty con, Cty thành viên, hợp tác liên doanh..., việc bắt buộc quản lý dự án thông qua Ban chuyên ngành, khu vực làm giảm tính chủ động của các đơn vị này...

Gộp quy trình thẩm định với cấp phép xây dựng

Mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc Cty Tư vấn xây dựng Tân cho rằng, Ban soạn thảo cần đưa vấn đề lãng phí vào trong Luật Xây dựng sửa đổi. “Bởi lãng phí xảy ra ở thời gian, do quá trình làm thủ tục để đầu tư xây dựng dự án quá lâu. Đơn cử như thời gian xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất lên đến 23 tháng vẫn chưa xong, chưa kể các thủ tục khác. Tất cả lãng phí đánh vào giá thành và người dân phải chịu lãng phí này. Bên cạnh đó là lãng phí giá thành xây dựng, hầu hết các công trình xây dựng đều lãng phí từ 10 - 20%. Cụ thể như thiết kế phí không thể tỷ lệ thuận với giá thành xây dựng mà phải tỷ lệ nghịch. Bởi giá thành xây dựng càng cao, càng đắt tiền thì thiết kế phí càng cao, điều đó vô tình chúng ta giúp thiết kế vẽ vời nhiều thì lại được thiết kế phí cao. Do đó, Luật Xây dựng sửa đổi phải làm thế nào để thiết kế phí không lãng phí.

Trong các bước thẩm định hồ sơ dự án thì Nhà nước chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở, còn thẩm tra thiết kế kỹ thuật là chuyện của nhà thầu, của chủ đầu tư nên Nhà nước không cần quan tâm. Chúng ta nên phân thành 2 loại: Nếu chủ đầu tư là tư nhân, vốn tư nhân thì miễn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, còn vốn ngân sách thì phải làm chặt chẽ để chống lãng phí”, ông Đực nhấn mạnh

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh lại cho rằng: Quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Nhưng, theo pháp luật xây dựng hiện nay thì lại tách thành 03 quy trình: Quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, Quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và Quy trình cấp giấy phép xây dựng.

Ông Châu nói: “Thiết kế cơ sở là cơ sở để xây dựng báo cáo khả thi của dự án đầu tư xây dựng. Luật Xây dựng quy định Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở là cần thiết để đảm bảo sự phù hợp về quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế theo quy định của pháp luật. Nhưng bước thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở là nhiệm vụ rất quan trọng của chủ đầu tư và nên phân định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức tư vấn độc lập để thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật nếu thấy cần thiết. Luật Xây dựng quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án là không cần thiết và đã can thiệp vào quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp chủ đầu tư.

Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 78; Khoản 3 Điều 82; Khoản 4 Điều 91 Luật Xây dựng 2014 theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng với công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Phân cấp và giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến hoặc công trình có liên quan đến hai tỉnh, hoặc công trình có ảnh hưởng đến an toàn, lợi ích cộng đồng.

Trường hợp Cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng) có yêu cầu thì Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở công trình xây dựng (nhằm hỗ trợ một số Sở Xây dựng chưa đảm bảo năng lực thẩm định thiết kế xây dựng công trình cấp I, hoặc công trình có kỹ thuật phức tạp...)”. 

Tại TP Hồ Chí Minh đã thí điểm tích hợp 3 quy trình giữa thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ và cấp phép xây dựng với thời gian giảm từ 122 ngày 42 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân xây dựng công trình.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Nội: Sẽ tổ chức đối thoại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh làng nghề trong tháng 5

    (Xây dựng) - Dự kiến, UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố trong tháng 5/2024.

  • Bình Định: Giao thông mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) - Xác định mục tiêu giao thông đi trước mở đường, tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông. Đây là “cú huých” mạnh mẽ nhằm phá bỏ “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khánh Hòa: Động lực thúc đẩy kinh tế

    (Xây dựng) - Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, tăng khả năng huy động vốn đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng”

    (Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…

  • Khu công nghiệp Biên Hoà 1: Kết thúc “sứ mệnh”

    (Xây dựng) - Hơn nửa thế kỷ đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong phát triển công nghiệp của đất nước, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ được chuyển đổi công năng để sớm trở thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo động lực mới cho phát triển bền vững

    (Xây dựng) - Việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) đang được xúc tiến và sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm nay. Đây là thông tin được lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội thảo “Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR) - Động lực mới cho phát triển bền vững” được tổ chức tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load