Thứ năm 28/03/2024 17:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

08:23 | 18/07/2019

(Xây dựng) – Bộ Xây dựng có văn bản trả lời Đại biểu Nguyễn Phước Lộc – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ngày 24/05/2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận được Phiếu chất vấn của Đại biểu Nguyễn Phước Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, với nội dung như sau:

“Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội. Theo đó, có nhiệm vụ, giải pháp “chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm”; “khẩn trương sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, theo lĩnh vực và nhu cầu thị trường, xã hội”. Căn cứ nội dung trên, trân trọng đề nghị Đồng chí Bộ trưởng cho biết Bộ hiện nay có bao nhiêu đơn vị sự nghiệp công lập với bao nhiêu biên chế trực thuộc (phụ lục kèm theo). Kế hoạch sắp xếp và chuyển giao các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn tới của Bộ”.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau:

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; các Thông tư và văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Bộ Xây dựng đã công nhận một số tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam; Hội cấp, thoát nước; Hiệp hội Tư vấn xây dựng; Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam... tổ chức xét, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng II, hạng III cho các cá nhân thuộc các Hiệp hội, Hội nêu trên.

Ngoài các nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công nêu trên, các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Theo Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng và Quyết định số 555/QĐ-TTg ngày 18/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ có 40 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Đến năm 2015, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận thêm 2 Trường Trung cấp nghề chuyển về từ doanh nghiệp trực thuộc Bộ khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, thành 42 đơn vị sự nghiệp.

Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng và Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 02/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng. Hiện nay, Bộ có 37 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, giảm 5 đơn vị so với năm 2015 (gồm: 6 Viện nghiên cứu; 4 Trường đại học; 1 Học viện; 11 Trường cao đẳng; 4 Trường trung cấp; 4 đơn vị thuộc lĩnh vực báo, tạp chí, thông tin, xuất bản; 2 Bệnh viện và 4 Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng; 1 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành).

Số lượng người làm việc (biên chế viên chức) tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên của Bộ Xây dựng năm 2019 là 4.186 người (theo Quyết định số 2722/QĐ-BNV ngày 28/12/2018 của Bộ Nội vụ).

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định đến năm 2021 bình quân giảm ít nhất 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, bình quân giảm 10% số lượng đầu mối trực thuộc các đơn vị và giảm tối thiểu 10% số lượng người làm việc so với năm 2015.

Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, thực hiện giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả đến năm 2019, Bộ đã rà soát sắp xếp lại để giảm số lượng đầu mối cấp phòng, trung tâm và tương đương trực thuộc đơn vị sự nghiệp với kết quả giảm 74 đầu mối trong 532 đầu mối, tương ứng giảm 13,9%. Số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên là 4.186 người, giảm 338 người so với năm 2015 (4.524 người), tương ứng giảm 7,4%; dự kiến đến năm 2021, số lượng người làm việc còn 4.012 người, giảm 11,3% so với năm 2015.

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Đề án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.

Trong đó, Bộ Xây dựng đã xác định một số chủ trương sau: Giảm mạnh số lượng đơn vị sự nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp vào trường cao đẳng và Bộ chỉ quản lý một số trường cao đẳng nghề trọng điểm; chuyển một số đơn vị sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; chuyển giao một số đơn vị về các Bộ liên quan và địa phương.

Trong quá trình thực hiện Đề án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, tổ chức lại các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Định hướng sau năm 2030, Bộ Xây dựng có 100% số lượng đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Trong đó: 02 đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ; 06 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, hạch toán tài chính như doanh nghiệp; các đơn vị khác tự đảm bảo chi thường xuyên.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, Bộ sẽ triển khai đồng bộ việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc đối với ngành Xây dựng và mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của đại biểu trong thời gian tới.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load