Thứ ba 19/03/2024 11:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường: Hội đồng xét xử không tuân thủ Luật Tố tụng

23:00 | 09/12/2019

(Xây dựng) – Tranh chấp về môi trường có tính thời sự và phức tạp chỉ sau tranh chấp đất đai. Không chỉ các nạn nhân ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều khó khăn khi khởi kiện, mà qua các vụ án môi trường liên quan đến Công ty Giấy Bắc Hà ở Bắc Giang cho thấy, cả Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều không triệu tập đầy đủ các bên liên quan để tham gia tố tụng nên vấn đề gây hậu quả và thiệt hại của bị đơn không được làm rõ.

doi boi thuong thiet hai do o nhiem moi truong hoi dong xet xu khong tuan thu luat to tung
Trên cánh đồng của các hộ dân tại thôn 7, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) trước đây là bờ xôi ruộng mật, ngày nay bị sụt giảm 50% năng suất.

Tình tiết vụ việc khá rõ…

Qua phản ánh của một số nguyên đơn là nạn nhân trong các vụ án môi trường tại Bắc Giang, trong quá trình sản xuất từ năm 2007-2017, Công ty giấy Bắc Hà đã xả nước thải và khói gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất trồng lúa của khoảng 70 hộ dân tại thôn 7, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Nhiều người dân trong thôn bị lở loét chân tay (những bộ phận cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nước hằng ngày khi làm đồng), đã có trên 60 người trong thôn chết vì ung thư, sản lượng lúa trên cánh đồng bị sụt giảm 50% năng suất.

Trong thời gian hoạt động từ năm 2007-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã có 04 lần xử phạt hành chính Công ty Giấy Bắc Hà do hành vi không có hệ thống xử lý chất thải hoặc xả nước thải không qua hệ thống xử lý đạt chuẩn. Tuy nhiên, các yêu cầu chấm dứt xả thải gây ô nhiễm môi trường và bồi thường thiệt hại của người dân với Công ty Giấy Bắc Hà không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và Công ty Giấy Bắc Hà chấp nhận.

Một số ít người dân có nguyện vọng khởi kiện nhưng lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu do thiếu hiểu biết về pháp luật môi trường cũng như quy trình, thủ tục tố tụng để khởi kiện dân sự.

Nhóm luật sư TGPL về môi trường dưới sự bảo trợ của Công ty Tư vấn Vietpro thành lập năm 2017 đã lựa chọn vụ việc ô nhiễm môi trường liên quan đến Công ty Giấy Bắc Hà tại Bắc Giang để hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân bị thiệt hại, tiến hành các thủ tục khởi kiện và tham gia tố tụng tại Tòa án trong cả hai giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm.

Thông qua các vụ án này, nhóm luật sư có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế về tranh tụng môi trường, đưa ra các khuyến nghị chính sách để hoàn thiện khung khổ pháp lý về môi trường và giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường cho người dân.

… nhưng hành vi gây ô nhiễm không được làm rõ

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập - Chủ tịch Công ty Tư vấn Vietpro đồng thời cũng là thành viên của nhóm luật sư TGPL cho biết, toàn bộ quá trình tố tụng từ khi nộp đơn khởi kiện đến khi xét xử và ra bản án sơ thẩm của cả 04 vụ án, bao gồm cả hoãn, đình chỉ và khởi kiện, thụ lý lại, kéo thời gian rất dài, đến 17 tháng (từ tháng 8/2017 – 1/2019).

Ban đầu có 05 hộ dân, sau rút xuống còn 04 hộ dân khởi kiện ra Tòa án thành phố Bắc Giang. Tháng 2/2018, Tòa án thụ lý các đơn khởi kiện theo các vụ án độc lập (thành 04 vụ án). Do tác động của các thẩm phán, đã có 02 nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Sau khi các phiên tòa được mở từ tháng 8/2018 – 1/2019, có 01 nguyên đơn không thể tham dự đủ các phiên tòa nên đã bị đình chỉ giải quyết đơn khởi kiện, còn 01 nguyên đơn duy nhất tiếp tục vụ kiện qua các giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm.

Ban đầu, các nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại cả về sức khỏe và tài sản nhưng do không thể cung cấp được bằng chứng về thiệt hại sức khỏe, mặc dù đã có nhiều người từng phải điều trị tại bệnh viện, nên đã rút yêu cầu này, giữ nguyên yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về lúa, quy thành tiền theo cách tự khai, được các hộ dân khác và Trưởng thôn xác nhận, UBND xã chứng thực chữ ký.

Nguyên đơn còn lại là ông Thân Văn Cảnh đòi bồi thường thiệt hại số tiền 73.500.000 đồng, tính theo sản lượng lúa bị sụt giảm trong 10 năm và đơn giá lúa trung bình tại địa phương. Ông Thân Văn Cảnh cũng yêu cầu Tòa án buộc Công ty Giấy Bắc Hà phải di dời nhà máy gây ô nhiễm và thau rửa, làm sạch đất ruộng đã bị ô nhiễm.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng cho biết, tại các phiên tòa sơ thẩm, mặc dù nguyên đơn và các luật sư của nguyên đơn đề nghị triệu tập đại diện UBND xã Tăng Tiến, UBND huyện Việt Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bắc Giang nhưng không có cơ quan nào cử người tham dự.

Bản án sơ thẩm tuyên ngày 31/1/2019 bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do Công ty Giấy Bắc Hà đã khắc phục bằng việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đồng thời nguyên đơn không chứng minh được nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân gây sụt giảm sản lượng lúa, nguyên đơn cũng tự tính các thiệt hại về tài sản nên không có căn cứ do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án tỉnh Bắc Giang diễn ra ngày 27/6/2019, Bản án phúc thẩm cũng bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên các quyết định của Bản án sơ thẩm với các lý do tương tự, mặc dù đại diện UBND xã tham dự phiên tòa xác nhận việc gây ô nhiễm của Công ty Giấy Bắc Hà gây thiệt hại về sản lượng lúa là đúng, Sở Tài nguyên và Môi trường có tham dự nhưng chỉ xác nhận Công ty Giấy Bắc Hà đã có 04 lần bị xử phạt hành chính do xả thải không qua xử lý đạt chuẩn cho phép.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Tòa án phúc thẩm đã không bảo đảm triệu tập đầy đủ các bên có liên quan theo yêu cầu của luật sư (như UBND xã Tăng Tiến, UBND huyện Việt Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bắc Giang) để tham gia tố tụng nên vấn đề gây hậu quả và thiệt hại của Công ty Giấy Bắc Hà do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường vẫn không được làm rõ.

Theo Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/11/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường, UBND huyện Việt Yên có trách nhiệm làm rõ các hậu quả về thiệt hại đối với nguồn nước và đất ruộng tại xã Tăng Tiến nói chung và của nguyên đơn nói riêng do hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Giấy Bắc Hà.

Qua cách xử lý vụ việc tại Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm, người dân đặt ra câu hỏi về sự vô cảm và thượng tôn pháp luật của các thẩm phán, hội đồng xét xử. Kỳ vọng, các luật sư tiếp tục làm đơn giám đốc thẩm lên Tòa án nhân dân tối cao xem xét vụ án, bởi trong tình trạng cải cách tư pháp hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao rất quan tâm đến chất lượng thẩm phán.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load