Thứ ba 16/04/2024 22:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

ĐBSCL: Vẫn loay hoay tìm công nghệ xử lý rác

21:47 | 09/12/2019

Nhiều tỉnh ĐBSCL đã quá tải tại các bãi rác tập trung gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân. Thật ra, rác không quá khó xử lý mà đây thật sự là nguồn tài nguyên nếu như được biết cách khai thác tốt.

dbscl van loay hoay tim cong nghe xu ly rac
Rác được xác định là tài nguyên, nhưng công nghệ xử lý là vấn đề cần phải lựa chọn đầu tư phù hợp.Ảnh: Nhật Hồ

Bức xúc vì rác thải cao như núi

Bãi rác tập trung thành phố Bạc Liêu đã quá tải, các chất cao như núi có nguy cơ không thể tiếp nhận rác vào cuối năm nay.

Theo Trung tâm Dịch vụ Đô thị tỉnh Bạc Liêu, với thiết kế ban đầu của Nhà máy xử lý rác, khối lượng rác thu gom bình quân 50 tấn/ngày. Thế nhưng, trong 12 năm từ năm 2007 đến năm 2018, với mức thu gom 80 tấn/ngày, đến cuối năm 2018, bãi rác này đã chứa khoảng 350 - 400 nghìn tấn. Đáng lưu ý, từ đầu năm 2019 đến nay, lượng rác thải thu gom tăng dần, bình quân mỗi ngày khoảng 115 tấn, bao gồm rác thu gom từ thành phố Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi.

Bà Lê Thị Ngọc Trâm, Quản lý khu xử lý rác cho biết ở đây chỉ xử lý rác bằng phương pháp thủ công, giải pháp hạn chế quá tải hiện nay bằng cách dùng máy xúc và máy ủi để đưa rác lên cao, phun hóa chất tạo phân hủy và khử mùi.

Tại Hậu Giang từ khi bãi rác Tân Long (huyện Phụng Hiệp) đóng cửa, toàn bộ rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh phải đưa về chứa tại 3 bãi rác: Kinh Cùng (Phụng Hiệp), Long Mỹ (thị xã Long Mỹ) và bãi rác Tân Tiến (thành phố Vị Thanh). Chỉ sau một thời gian ngắn, hầu như các bãi này đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường cho khu vực.

Theo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, hiện 3 bãi rác đều đang trong tình trạng quá tải. Nếu trước kia bãi rác Kinh Cùng chỉ là nơi trung chuyển rác, nhưng khoảng 5 năm nay nơi đây trở thành điểm lưu chứa rác thải. Do lượng rác quá lớn, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên thường xuyên gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư xung quanh và theo kế hoạch sẽ đóng cửa vào cuối năm nay. Còn bãi rác Tân Tiến, phải đóng cửa để xử lý khắc phục ô nhiễm theo quy định trong năm 2016. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa thì từ đó đến nay bãi rác này vẫn phải gồng mình tiếp nhận hàng chục tấn rác phát sinh mỗi ngày. Với chiều cao đạt đỉnh điểm 20m, bãi rác Tân Tiến như một cái núi rác khổng lồ. Còn bãi rác Long Mỹ dù đã được chấp thuận mở rộng thêm 3.000m2, nhưng mấy chốc cũng đã bị lấp đầy.

Ông Dương Văn Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang nhận định “Các bãi rác đã sử dụng gần như 100% diện tích để chôn lấp. Để tiếp tục có nơi chứa rác, đơn vị phải dùng xe cơ giới để ủi rác. Không những thế, công ty phải xịt thuốc liên tục vài lần/ngày để khử mùi, ruồi. Thế nhưng, tại các buổi tiếp xúc cử tri, vấn đề bãi rác luôn khiến người dân bức xúc. Trong khi, rác thì không thể một ngày không đổ”.

Trong khi đó, tại Cà Mau, Nhà máy xử lý rác Thành phố Cà Mau là nhà máy xử lý rác duy nhất của tỉnh từ khi Giám đốc bị khởi tố gần như nhà máy này trong tình trạng “đóng cửa bất cứ lúc nào”. Nhà máy xử lý rác Cà Mau có ít nhất 3 lần đóng cửa để duy tu, và liên tiếp báo lỗ dù khi xây dựng được cho là công nghệ hiện đại nhất Việt Nam. Cà Mau đã phải chỉ đạo mỗi huyện một nơi tập kết rác khi nhà máy này đóng cửa.

Tại Vĩnh Long, Nhà máy xử lý rác thực hiện trầy trật, Giám đốc bỏ dự án giữa chừng. Rác có lúc không được xử lý khiến chính quyền địa phương lúng túng trong xử lý.

Không thiếu dự án Nhà máy xử lý rác

Theo ông Phan Duy Tiên, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu “Công nghệ xứ lý rác thải tại Việt Nam đã có cách đây hàng chục năm. Rác không phải khó xử lý, mà ngay từ những năm 2000, đã có công nghệ xử lý rác thành các sản phẩm: Điện, nhựa, phân bón, nhựa đường…xử lý không qua chôn lắp”.

Tại Bạc Liêu từ năm 2014, tỉnh này đã cấp phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác công suất 245 tấn rác/ngày cho Công ty TNHH MTV ANA Bạc Liêu, nhưng đến cuối năm 2018 chủ đầu tư này triển khai ì ạch và bị rút giấy phép.

Dự án nhà máy xử lý rác được đấu thầu lại, sau đó Công ty Công ty TNHH Xa Mạc Xanh, đã trúng thầu và tổ chức lễ khởi công nhà máy xử lý rác tập trung tỉnh Bạc Liêu vào ngày 31.5.

Tuy nhiên, hơn 6 tháng kể từ này khởi công hoành tráng, có cả lãnh đạo bộ, ngành trung ương tham dự, đến nay dự án này vẫn án binh bất động.

Sở Tài nguyên Môi trường Bạc Liêu cho biết, đến thời điểm này hồ sơ, thủ tục để triển khai Nhà máy xử lý rác vẫn chưa được hoàn tất. Việc bao giờ Nhà máy rác đi vào hoạt động vẫn chưa ấn định.

Tại Hậu Giang, từ năm 2016 UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang đầu tư dự án Nhà máy điện rác. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc triển khai dự án này không theo tiến độ khiến cho việc xử lý rác thải phát sinh.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang, dự án có diện tích 23ha, trong đó giai đoạn 1 sử dụng khoảng 5ha làm bãi chôn lấp rác tạm và tiếp nhận rác trong tháng 1.2019. Giai đoạn 2 và giai đoạn 3 sẽ tiến hành khởi công xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm tiến độ hơn 15 tháng.

Nguyên nhân được cho là chưa được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nên dự án chưa thể triển khai.

Không để nhà máy xử lý rác có cũng như không, ngày 5.12, tại Kỳ họp HĐND tỉnh Bạc Liêu bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh cùng với các cấp, các ngành sớm triển khai thực hiện, không để chuyện có dự án mà rác cứ mãi chất cao như núi.

Hàng loạt dự án xử lý rác được chào mời

Tại Tiền Giang, một nhà đầu tư đề nghị đầu tư 3 nhà máy xử lý rác trên địa bàn tỉnh này với công nghệ hiện đại.

Tại Sóc Trăng, sau Nhà máy xử lý rác thải rắn đi vào hoạt động, tỉnh này cũng nhận được nhiều lời chào mừng xây dựng nhà máy rác với nhiều công nghệ hiện đại.

UBND tỉnh Cà Mau chính thức kêu gọi đầu tư vào lĩnhvực này. Trong đó, ưu tiên các công nghệ xử lý rác không chôn lắp, phát điện từ rác.

Theo Nhật Hồ/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load