Thứ năm 28/03/2024 20:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

'Chuồng cọp', sự cố điện: Gây nhiều cái chết thương tâm

09:31 | 09/12/2019

Dịp cuối năm liên tiếp xảy ra cháy nhà, hàng quán vào ban đêm và sáng sớm dẫn đến chết người khiến người dân lo lắng.

chuong cop su co dien gay nhieu cai chet thuong tam
Nhiều khu tập thể cũ người dân hàn kín “chuồng cọp”

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều khu vực thủ đô Hà Nội nhất là trong ngõ nhỏ, khu tập thể cũ trên đường Kim Ngưu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi,.. người dân làm khung sắt kiểu “chuồng cọp” bao quanh cửa sổ, ban công bịt kín lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.

Đơn cử, khoảng 5h ngày 1/12, tại ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ 143 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn khiến ba bà cháu mắc kẹt. Khi người dân nghe tiếng kêu cứu phát ra từ bên trong, đến dập lửa cứu người, không thể tiếp cận do ngôi nhà được quây “chuồng cọp” xung quanh, cửa ra vào khóa 2-3 lớp. Khi lực lượng chức năng dập tắt được đám cháy thì các nạn nhân đã tử vong. Tiếp đó, khoảng 1h30 ngày 7/12, tại ngôi nhà cao tầng đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM cũng xảy ra cháy, làm 2 phụ nữ và một cháu bé mắc kẹt. Do lửa cháy lớn ở tầng 1, cửa sắt khóa bên trong bít lối thoát ra ngoài khiến các nạn nhân tử vong.

Những vụ hỏa hoạn thời gian qua khiến các nạn nhân không thoát cửa tử đều do không có lối thoát hiểm. Ông Thắng, sống trên đường Kim Ngưu (Hà Nội) cho biết, tâm lý người dân thường làm rào sắt kiểu “chuồng cọp” ở cửa sổ, ban công để tránh bị kẻ trộm đột nhập, nhưng vô tình bịt kín lối thoát hiểm.

Gần nửa số vụ liên quan đến điện

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), từ 15/12/2018 đến 14/11/2019 cả nước xảy ra 3.354 vụ cháy làm chết 71 người, bị thương 113 người. So với cùng kỳ 2018, số vụ cháy giảm 560 vụ; giảm 8 người chết; giảm 79 người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm 838.671 tỷ đồng. Nguyên nhân xảy ra cháy do sự cố hệ thống và thiết bị điện chiếm 1.566 vụ (46,7%); do sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất 973 vụ (chiếm 29%) do vi phạm quy trình, quy định an toàn 134 vụ (chiếm 4%)...

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, dịp Tết cổ truyền vào thời điểm giữa mùa khô, các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu, gấp rút hoàn thành kế hoạch năm và phục vụ Tết Nguyên đán. Nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện không thay đổi dễ dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Tại các chợ, lượng người tham gia giao thương rất lớn, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình cũng tăng cao so với thời gian trước. Đây chính là những nguyên nhân khiến số vụ cháy thường gia tăng vào dịp Tết.

“Nguyên nhân dẫn đến cháy còn do một số người đứng đầu cơ sở, chính quyền địa phương, hộ gia đình chưa nhận thức hết trách nhiệm trong công tác PCCC nên chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, thiếu quan tâm đến việc tổ chức công tác PCCC nên vẫn còn nhiều vi phạm, thiếu sót dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại cơ sở, khu dân cư; nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không báo cho cơ quan PCCC làm nguy cơ cháy tăng cao dẫn đến cháy lớn, thiêu hủy nhiều hàng hóa, tài sản...” - đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết.

Làm gì khi xảy ra cháy?

Trao đổi với phóng viên, thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, trước những vụ cháy xảy ra gần đây gây thiệt hại lớn về người và tài sản, người dân cần có ý thức và trách nhiệm về công tác PCCC.

Theo thượng tá Quyến, tại các hộ dân, tầng 1 là lối ra vào không nên để nhiều các vật dụng dễ cháy nổ, đặc biệt là những hộ dân kinh doanh sản xuất chỉ bày bán vừa đủ hàng hóa và không để hàng lên đường dây dẫn điện. Ngoài ra, các phương tiện như xe máy nếu có điều kiện nên gửi ở một nơi khác. Nếu ngôi nhà làm “chuồng cọp” thì nên để một lối thoát hiểm và có thể khóa lại còn chìa khóa để ở khu vực dễ nhìn thấy trong nhà và cả gia đình đều biết.

“Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn ở tầng 1 nhà cao tầng bao giờ khói cũng bay lên theo lối cầu thang lên cao, lúc này mọi người phải chạy theo lên phía trên sau đó đi ra ngoài bằng cửa tum hoặc ra ban công để trèo ra ngoài thoát nạn”, thượng tá Quyến đưa ra giải pháp.

Cũng theo thượng tá Quyến, mỗi hộ gia đình nên trang bị bình cứu hỏa cầm tay, còn các hộ dân ở chung cư có thể trang bị dây tự cứu (dây thả chậm) có bộ hãm theo trọng lượng của từng người và chiều dài theo yêu cầu để đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn có thể thoát nạn.

“Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn ở tầng 1 nhà cao tầng bao giờ khói cũng bay lên theo lối cầu thang lên cao, lúc này mọi người phải chạy theo lên phía trên sau đó đi ra ngoài bằng cửa tum hoặc ra ban công để trèo ra ngoài thoát nạn”.

Thượng tá Quyến đưa ra giải pháp

Theo THANH HÀ/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load