Thứ năm 25/04/2024 18:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chống xuất bản phẩm lậu - Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng

15:45 | 20/06/2019

(Xây dựng) - Ngày 20/6 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục & Đào tạo) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo chống xuất bản phẩm lậu. Hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề chống vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Gareth Ward – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết: Việt Nam và Vương quốc Anh đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2010. Hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, hai bên đã tăng cường quản trị, nâng cao nhận thức, phát triển năng lực đào tạo, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm… trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

“Trong khuôn khổ Quỹ song phương Anh – Việt của Bộ Ngoại giao Anh và nguồn quỹ phòng, chống in – phát hành xuất bản phẩm lậu của nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Việt Nam để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mà hai bên đã thống nhất. Thực tế, hoạt động xuất bản phẩm lậu gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và xã hội. Do vậy cần phải xây dựng một cơ chế để bảo vệ quyền tác giả, đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận với các tác phẩm nguyên bản. Công chúng cần nhận thức rõ và tôn trọng quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả cơ chế này”, ông Gareth Ward chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, vấn nạn xuất bản phẩm lậu lưu hành trái phép trên thị trường Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp với quy mô lớn. Hoạt động in – phát hành xuất bản phẩm lậu là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, là hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp giá trị vật chất, giá trị tinh thần của người khác, gián tiếp hủy hoại giá trị sáng tạo của tác giả, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự văn hóa, xã hội, lừa dối người tiêu dùng để thu lợi bất chính, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Vấn nạn này đang gây bức xúc không chỉ trong ngành Xuất bản mà còn ở các cấp quản lý Nhà nước trong công cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Theo thống kê của nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, trong số các hoạt động xuất bản phẩm lậu trên thị trường, sách giáo dục chiếm tỉ lệ lớn nhất. Thực tế, công tác quản lý Nhà nước trong việc chống xuất bản phẩm lậu đến nay vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thực sự hữu hiệu để có thể ngăn chặn thành công, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu. Vì vậy, việc loại trừ các hoạt động in – phát hành xuất bản phẩm lậu không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn có sự góp sức của các chủ sở hữu xuất bản phẩm và toàn xã hội”, ông Nguyễn Đức Thái nhấn mạnh.

Hội thảo được lắng nghe nhiều tham luận của các đại biểu xung quanh vấn nạn xuất bản phẩm lậu như: Một số vấn đề in lậu và công tác phòng chống in lậu; Công tác quản lý thị trường xuất bản phẩm; Cuộc chiến không cân sức chống sách lậu tại Việt Nam; Sản xuất, tiêu thụ xuất bản phẩm giáo dục giả - Thực trạng, nguy cơ và giải pháp; Sản xuất, tiêu thụ sách giả sẽ giết chết ngành Xuất bản Việt Nam; 12 năm chống sách lậu và sách không bản quyền.

Bên cạnh đó, các đại biểu, chuyên gia cũng đã có buổi tọa đàm sâu rộng hơn về thực trạng tài liệu dạy – học tiếng Anh và sách bản quyền, ngoại văn bị in lậu, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, có những chính sách, biện pháp ngăn chặn nhằm đẩy lùi nạn xuất bản phẩm lậu đang diễn ra ngày một phức tạp tại Việt Nam.

Huyền Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load