Thứ năm 25/04/2024 05:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ trưởng Công Thương: Tạo động lực để công nghiệp phát triển

14:21 | 07/08/2019

Theo Bộ Công Thương hiện nhiều doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý khi xây dựng chính sách mới đối với công nghiệp ưu tiên để thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Công nghiệp được coi là một trong những ngành mũi nhọn quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Dù vậy, thời gian qua sự phát triển của nhiều lĩnh vực như cơ khí, ôtô thậm chí là công nghiệp hỗ trợ còn chưa bắt kịp với sự phát triển chung của các nhiều nước trong khu vực.

Đây cũng là nội dung chính được Bộ Công Thương bàn thảo trong cuộc họp về tình hình phát triển công nghiệp 6 tháng, diễn ra ngày 6/8, tại Hà Nội.

Chưa làm chủ được công nghiệp cốt lõi

Báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra những tồn tại lớn trong lĩnh vực công nghiệp là hiệu quả sản xuất xét trên khía cạnh giá trị gia tăng và xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn.

Ngoài ra, phần lớn giá trị tạo ra vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Trong số liệu báo cáo 7 tháng, thì khu vực FDI xuất siêu tới 18,6 tỷ USD và luôn chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Dẫn chứng thêm, theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục công nghiệp, số lượng doanh nghiệp công nghiệp rất ít, cả nước chỉ có gần 80.000 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Không những thế, khả năng tài chính và công nghệ hạn chế. Doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển được thương hiệu.

Thực tế cho thấy, xuất phát điểm công nghiệp Việt Nam thấp. Trong khi đó, chính sách phát triển công nghiệp thời gian qua chất lượng thấp, dàn trải, không ổn định. Quan trọng hơn là chưa hình thành được các Tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Việc bố trí các nguồn lực để triển khai các chính sách thiếu thống nhất, chưa đủ mạnh, chưa phù hợp với thực trạng công nghiệp và trình độ doanh nghiệp Việt Nam,” lãnh đạo Cục công nghiệp thông tin thêm.

- Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong 7 tháng:

Dẫn chứng trong 7 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (xe từ 5-16 chỗ ngồi) tăng tới 400% so với cùng kỳ và điều này theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương là rất đáng quan tâm để có chính sách đồng bộ, nhằm phát triển được ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Một trong những yêu cầu đặt ra trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu của xuất khẩu, theo ông Chinh chính là xuất xứ, là tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm hàng hóa và cơ sở dữ liệu của các ngành công nghiệp.

"Hiện nay cơ sở dữ liệu trong các ngành công nghiệp là chưa có... không biết ở đâu sản xuất cái gì và ai sản xuất cụ thể như thế nào, công đoạn nào và mức độ cụ thể như thế nào, do vậy nếu chúng ta không có cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp, ít nhất là với các ngành công nghiệp trọng điểm thì không thể hỗ trợ và hoạch định chính sách được," lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu nói.

Chú trọng phát triển theo chiều sâu

Trong khi đó, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại cho biết hơn 95% số vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại là sản phẩm hàng hóa của công nghiệp chế biến, chế tạo, như sắt, thép, nhôm…

Tuy vậy, nhận thức của doanh nghiệp trong nước cũng như năng lực ứng phó trước các biện pháp phòng vệ thương mại còn thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các Vụ, Cục chức năng nghiên cứu đánh giá những chính sách hiện nay và tác động nó để từ đó có những khuyến nghị và phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm giải quyết các vấn đề về thương mại một cách cơ bản và tốt nhất.

Nhấn mạnh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý các đơn vụ chức năng phải rà soát đánh giá lại việc thực hiện các chính sách trong thời gian qua, kể cả chiến lược về phát triển các ngành như ôtô, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ... để từ đó có thể khai thác tốt các cơ hội của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị khác xây dựng chính sách mới đối với công nghiệp ưu tiên để thu hút đầu tư đối với các dự án quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp với một số đơn vị chức năng về công nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục Công nghiệp đang phối hợp với các Bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng và cơ hội phát triển như công nghiệp ôtô, dệt may, da dày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời xây dựng các định hướng chính sách phát triển theo tiềm năng và lợi thế địa phương để bố trí các nguồn lực triển khai thực hiện.

Đại diện Cục công nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và trở thành đối tác sản xuất đáng tin cậy đối với chuỗi sản xuất toàn cầu. Đơn cử là hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hệ thống quản trị sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, công nghệ mới và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, ông Hoài cũng đề cập tới việc xây dựng các chính sách để hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm một số doanh nghiệp có tiềm năng có thể phát triển thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ thị trường nội địa và mở rộng thị trường quốc tế, cũng như cơ chế của Nhà nước trong việc hỗ trợ mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài./.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load