Thứ sáu 29/03/2024 09:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bổ sung mỏ cát trắng tại tỉnh Bình Thuận vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản

21:54 | 02/06/2019

(Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung khu vực mỏ cát trắng tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) ở Việt Nam đến năm 2020.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Cty CP Viglacera Bình Thuận là thành viên của Tổng Cty Viglacera - CTCP. Cty được thành lập nhằm phát triển thị trường vật liệu xây dựng tại khu vực phía Nam của Tổng Cty với định hướng chung là tìm kiếm nguồn nguyên liệu tại địa phương phục vụ cho các nhà máy sản xuất VLXD của Tổng Cty.

Khu vực mỏ cát trắng đề nghị bổ sung vào quy hoạch tại xã Bình Tân, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích 148,3 ha, gồm 3 khu vực (khu vực 1: 38,3 ha; khu vực 2: 40 ha, khu vực 3: 70ha). Qua báo cáo khảo sát sơ bộ của doanh nghiệp, khu vực nghiên cứu có hàm lượng SiO₂ từ 99% trở lên, hàm lượng các oxit tạo màu tương đối thấp, đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho sản xuất kính xây dựng và các ngành công nghiệp khác. Để có cơ sở cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định, Cty CP Viglacera Bình Thuận và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung khu vực khoáng sản cát trắng nêu trên vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 31/10/2018, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2730/BXD-VLXD lấy ý kiến của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận về đề nghị bổ sung mỏ cát trắng tại xã Bình Tân, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020. Cụ thể ý kiến của các cơ quan liên quan như sau:

Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến tại Văn bản số 148/BTNMT-ĐCKS ngày 10/01/2019: Theo tài liệu địa chất khoáng sản hiện có, các khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch (có tọa độ, diện tích tại công văn số 01/2018/CV.VBT ngày 31/8/2018 của Cty CP Viglacera - Bình Thuận kèm theo) thuộc diện tích đã được đánh giá khoáng sản titan tại báo cáo “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu” năm 2014. Kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản như sau: Khu vực 1 (diện tích 38,3 ha) và khu vực 2 (diện tích 40ha) nằm trong diện tích đã đánh giá quặng titan tỷ lệ 1/25.000 và đã xác định phần trên mặt không có cát đỏ, hàm lượng quặng titan nghèo không đạt chỉ tiêu tính tài nguyên; các khu vực này nằm trong vùng có phân bố cát trắng nhưng báo cáo điều tra, đánh giá không đầu tư công trình tính tài nguyên cát trắng. Khu vực 3 (diện tích 70 ha) nằm trong diện tích đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép dò quặng titan–zircon cho Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam tại Giấy phép số 2621/GP-BTNMT ngày 23 tháng 12 năm 2013, không có cơ sở để bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác cát trắng”.

Ý kiến của Bộ Quốc phòng tại Văn bản số 292/BQP-TM ngày 8/01/2019: Thống nhất địa điểm và phạm vi khu vực bổ sung mỏ cát trắng tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tình Bình Thuận vào quy hoạch khoáng sản làm VLXD với diện tích quy hoạch 148,3 ha (khu vực 1: 38,3 ha; khu vực 2: 40 ha; khu vực 3: 70 ha) theo đề nghị của Bộ Xây dựng tại công văn trên. Khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch trên vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD; để kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn, đề nghị Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan liên quan và Chủ đầu tư làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 7 xác định tọa độ, mốc giới phạm vi khu vực của dự án trên tại thực địa; chỉ tổ chức thực hiện trong phạm vi ranh giới đã xác định, không mở rộng ranh giới của dự án với bất cứ hình thức nào. Bộ Quốc phòng ủy nhiệm cho Bộ tư lệnh Quân khu 7 giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến quốc phòng tại dự án trên; những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch có ý kiến tại Văn bản số 5927/BVHTTDL-KHTC ngày 28/12/2018: Vị trí xin bổ sung vào Quy hoạch khoáng sản làm VLXD tại xã Bình Tân, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận không nằm trong định hướng phát triển du lịch của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Đồng thời, trong khu vực đề nghị bổ sung vào Quy hoạch khoáng sản làm VLXD tại xã Bình Tân, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận không có các công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; không ảnh hưởng đến các công trình văn hóa, thể dục thể thao và du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đề nghị lưu ý: Tác động của biến đổi khí hậu, dải bờ biển hiện nay đang bị nước biển xâm lấn, việc phát triển du lịch tại Bình Thuận cần được chuyển hướng dần sang các vùng ven bờ, đặc biệt là sản phẩm du lịch liên quan đến tài nguyên và cảnh quan về cát. Do đó, trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến khu vực này phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, không được làm ảnh hưởng và chồng lấn với các khu vực dự trữ phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận.

Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Văn bản số 9985/BNN-KH ngày 24/12/2018: Đề nghị rà soát để việc điều chỉnh bổ sung các mỏ cát trắng vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 tuân theo các quy định Luật Khoáng sản. Hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có số liệu, không có báo cáo thuyết minh chi tiết về khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch. Căn cứ Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 05/10/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn Tỉnh, thì diện tích đất dự kiến bổ sung vào quy hoạch tại các xã Bình Tân, Sông Lũy, huyện Bắc Bình không thuộc khu vực bị cấm hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chưa thể xác định cụ thể hiện trạng rừng của khu vực bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản. Trên cơ sở tài liệu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị: Thuyết minh cụ thể về hiện trạng sử dụng đất tại phần diện tích dự kiến đưa vào quy hoạch: các thông tin liên quan đến đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, số hộ dân chịu ảnh hưởng do bổ sung quy hoạch. Rà soát, thực hiện đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới” tại Văn bản số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017 của Văn phòng Chính phủ và các Quy định của pháp luật hiện hành; không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Ý kiến của Bộ Công Thương tại Văn bản số 9110/BCT-CN ngày 09/11/2018: Đối với khoáng sản cát trắng có hàm lượng SiO₂ từ 99% trở lên tại khu vực nêu trên, theo quy định tại Mục a, Khoản 1, Điều 64, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 và quy định tại Mục c, Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Đề nghị Bộ Xây dựng rà soát khi vực dự kiến bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD nêu trên theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận tại Văn bản số 5036/UBND-KT ngày 23/11/2018: Thực hiện Công văn số 2158/BXD-VLXD ngày 27/ 8/2018 của Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến dự thảo Tờ trình, Quyết định, Thuyết minh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn số 4375/UBND-KT ngày 15/10/2018 gửi Bộ Xây dựng tham gia góp ý các dự thảo nêu trên. Trong đó, có đề xuất bổ sung vào quy hoạch khoáng sản làm VLXD đối với mỏ cát trắng tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích 78,3 ha (khu 1: 38,3 ha; khu 2: 40 ha) theo tọa độ và bản đồ vị trí đính kèm (gồm tọa độ hệ VN2000, kinh tuyến trục 111o, múi chiếu 6o, múi chiếu 3o). Qua nghiên cứu, UBND tỉnh Bình Thuận cơ bản thống nhất dự thảo Tờ trình, Quyết định, Thuyết minh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng lập. UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất bổ sung các mỏ khoáng sản làm VLXD vào quy hoạch: Mỏ cát trắng tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích 78,3 ha (khu 1: 38,3 ha; khu 2: 40 ha) theo tọa độ và bản đồ vị trí đính kèm”.

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại văn bản số 332/BXD-VLXD ngày 27/8/2018 về việc đề nghị bổ sung làm rõ một số ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Văn bản số 1506/UBND-KT ngày 04/5/2019 báo cáo Bộ Xây dựng, cụ thể như sau:

Về mỏ cát trắng tại huyện Bắc Bình bổ sung vào Quy hoạch: Khu 1: Diện tích 38,3 ha thuộc xã Bình Tân và xã Sông Lũy. Khu 2: Diện tích 40 ha thuộc xã Bình Tân và xã Sông Lũy. Qua rà soát, kiểm tra đối chiếu 02 khu vực mỏ cát trắng nêu trên nằm ngoài các quy hoạch ngành thuộc Trung ương và UBND tỉnh phê duyệt, quản lý. Hiện trạng sử dụng đất thuộc đất quy hoạch trồng cây hàng năm, cây lâu năm khác, phần lớn đất bỏ trống không sản xuất và chủ yếu cây keo lá tràm mọc rải rác, xung quanh không có hộ dân sinh sống, dân cư sinh sống tập trung theo dọc 02 bên đường Quốc lộ 1. Từ Quốc lộ 1 theo đường sỏi đỏ hiện hữu vào vị trí mỏ cát trắng khoảng 3 km.

Khu vực 02 mỏ cát trắng nêu trên nằm ngoài Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 tại Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh phê duyệt.

Đối chiếu với bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3656/QĐ-UBND của ngày 27/12/2018; bản đồ quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 18/02/2013 thì toàn bộ 2 vị trí nêu trên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh và không chồng lấn các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp trên đất có cây rừng tự nhiên hoặc rừng trồng nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước, đề nghị Chủ đầu tư liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Hai khu vực nêu trên không nằm trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 1792/QĐ-UBND ngày 12/9/2012 và không có các công trình di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; không ảnh hưởng tới các công trình văn hóa, thể dục thể thao, khu du lịch (nội dung này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã báo cáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 2714/SVHTTDL-QLDL ngày 12/12/2018).

Qua đối chiếu với bản đồ quy hoạch, 02 khu vực (38,3 ha và 40 ha) không nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 05/10/2016 của UBND tỉnh Bình Thuận; nằm ngoài Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ và vùng dự trữ khoáng sản titan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014.

Theo quy định tại Khoản 13, Điều 8 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 (trong đó có Luật Khoáng sản), Bộ Xây dựng là cơ quan được giao tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Việc quản lý quy hoạch này theo Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020.

Theo quy định Điều 14 của Luật khoáng sản và Khoản 6, Điều 8 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018: “Việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản trong trường hợp có phát hiện mới về khoáng sản làm ảnh hưởng đến tính chất, nội dung quy hoạch” và “cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khoáng sản quyết định điều chỉnh quy hoạch đã phê duyệt”. Các khu vực khoáng cát trắng tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận chưa nằm trong Quy hoạch. Việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ.

Trong 3 khu vực khoáng sản đề xuất bổ sung vào Quy hoạch, khu vực 3 (diện tích 70 ha) nằm trong diện tích đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò quặng titan-zircon cho Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam tại Giấy phép số 2621/GP-BTNMT ngày 23/12/2013 nên Bộ Xây dựng không đề xuất bổ sung vào Quy hoạch.

Hiện trạng sử dụng đất 2 khu vực cát trắng (khu vực 1: 38,3 ha; khu vực 2: 40 ha) tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung vào quy hoạch nằm ngoài quy hoạch 03 loại rừng của tỉnh Bình Thuận, không thuộc đối tượng rừng tự nhiên theo nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 40 của Luật khoáng sản:“Giấy phép thăm dò khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản…”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, thì khu vực nêu trên không nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 05/10/2016. Do vậy, 02 khu vực khoáng sản cát trắng (khu vực 1: 38,3 ha; khu vực 2: 40 ha) tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đủ điều kiện bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, Bộ Xây dựng đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận và căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, Bộ Xây dựng báo cáo và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 02 khu vực cát trắng (khu vực 1: 38,3 ha; khu vực 2: 40 ha) tại xã Bình Tân và xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012) để quản lý và cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định.

Khánh An

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hà Tĩnh: Công ty Cổ phần Hải Giang San được gia hạn sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Quyết định số 693/QĐ-UBND cho phép Công ty Cổ phần Hải Giang San được gia hạn sử dụng 6.453m2 đất tại khu vực Núi Nấy (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân) vào mục đích hoạt động khoáng sản.

  • Quảng Nam: Công ty TNHH Phước Minh được cho phép thăm dò khoáng sản vàng gốc tại Bãi Ruộng

    (Xây dựng) – Công ty TNHH Phước Minh được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép thăm dò khoáng sản trong diện tích 1,01ha với thời hạn 20 tháng tại Bãi Ruộng, thôn 2, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.

  • Quảng Ngãi: Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác mỏ đất Núi Bé

    (Xây dựng) – Mỏ đất Núi Bé thuộc xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa), có diện tích 7,34ha, trữ lượng được phê duyệt đưa vào thiết kế khai thác gần 280.000m3 đang được tức tốc cho “ra lò” để phục vụ dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.

  • Sơn Tín Phát - đơn vị chuyên phân phối ngói bitum hàng đầu Việt Nam

    (Xây dựng) - Sơn Tín Phát là một trong những đơn vị thi công và cung cấp các sản phẩm tấm lợp bitum chất lượng cao tại Việt Nam. Với sứ mệnh luôn mang đến trải nghiệm chất lượng cho khách hàng. Chính vì vậy mà đây được xem là đơn vị đối tác quan trọng trong nhiều công trình xây dựng lớn nhất miền Trung. Để có thể hiểu thêm về đơn vị Sơn Tín Phát này, mời bạn đọc hãy cùng chúng tôi xem ngay bài viết dưới đây.

  • Quảng Nam: Đấu giá 22 mỏ đất san lấp và cát, đá làm vật liệu xây dựng

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện đấu giá 14 mỏ đất san lấp tại các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Phước Sơn. Ngoài ra, đấu giá 6 mỏ cát tại huyện Tây Giang và thị xã Điện Bàn và 2 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Phú Ninh và huyện Tây Giang.

  • Tìm hiểu về cửa nhựa gỗ composite thương hiệu SaiGonDoor

    (Xây dựng) - Cửa nhựa gỗ composite hiện nay đang là một lựa chọn lý tưởng cho các không gian sống hiện đại, chúng kết hợp được tính thẩm mỹ và độ bền vững. Nhờ vào tính linh hoạt và đa dạng của sản phẩm này, cửa nhựa composite đã được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, từ cửa chính của căn nhà đến cửa phòng ngủ, cửa nhà vệ sinh, thậm chí là cửa sổ. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên của vân gỗ và tính năng ưu việt của nhựa làm cho cửa nhựa gỗ composite trở thành một giải pháp hoàn hảo cho không gian sống hiện đại. Bạn đang có nhu cầu tìm mua cửa nhựa gỗ composite thì Saigondoor sẽ là địa chỉ đáng tin cậy khi bạn cần tìm kiếm các sản phẩm, mẫu mã về cửa nhựa gỗ composite.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load