Thứ tư 24/04/2024 00:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch và danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

14:23 | 21/07/2019

(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch và danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ tại Văn bản số 5662/UBND-KTN ngày 12/12/2018.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ tại Văn bản số 5662/UBND-KTN ngày 12/12/2018 và các tài liệu gửi kèm theo, hiện trạng khu vực mỏ khoáng sản đề xuất bổ sung vào quy hoạch và tình hình thực hiện dự án nhà máy chế biến cao lanh-felspat như sau:

Khu vực mỏ cao lanh-felspat đề nghị bổ sung vào quy hoạch có tổng diện tích 65,41ha thuộc các xã: Ấm Hạ (diện tích 14,3ha), Hà Lương và Phụ Khánh (diện tích 22,21ha), Gia Điền (diện tích 5,9ha), Đại Phạm (diện tích 23ha), huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Theo tài liệu điều tra, các khu vực khoáng sản trên thuộc diện tích của “Báo cáo tìm kiếm thăm dò kaolin vùng tả ngạn sông Hồng, tỉnh Vĩnh Phú”. Kết quả tìm kiếm thăm dò đã xác định được trữ lượng kaolin cỡ hạt dưới 0,21mm cấp chắc chắn là 168,9 ngàn tấn, cấp triển vọng là 314,8 ngàn tấn.

Hiện trạng, khu vực này chủ yếu trồng bạch đàn, keo và chè, không thuộc đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Khu vực mỏ cao lanh-felspat nêu trên chưa có trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012.

UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy chế biến tinh quặng cao lanh-felspat (Quyết định chủ trương đầu tư 2783/QĐ-UBND ngày 26/10/2018) cho Cty TNHH Lương Oanh có địa điểm đầu tư tại xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; công suất 120.000 tấn/năm (trong đó cao lanh 80.000 tấn/năm, felspat 40.000 tấn/năm) với dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến nhằm chế biến sâu khoáng sản, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản, phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.  

Để tạo điều kiện cho Cty TNHH Lương Oanh đầu tư xây dựng nhà máy chế biến kaolin – felspat trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung mỏ kaolin–felspat trên địa bàn các xã Ấm Hạ, Hà Lương, Phụ Khánh, Gia Điền, Đại Phạm, huyện Hạ Hòa với diện tích 65,41ha vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bổ sung mỏ kaolin-felspat nêu trên vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 173/BXD-VLXD ngày 28/01/2019  lấy ý kiến của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề nghị bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch và bổ sung vào danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ tại Văn bản số 5662/UBND-KTN nêu trên. Ý kiến của các Bộ có các nội dung chính như sau:

Ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1987/BTNMT-ĐCKS ngày 3/5/2019: “Các khu vực quặng caolanh-felspat (có tọa độ, diện tích nêu tại Công văn số 5662/UBND-KTN ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ) thuộc địa bàn các xã Ấm Hạ, Hà Lương, Phụ Khánh, Gia Điền và Đại Phạm, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích 65,41ha (diện tích thuộc xã Đại Phạm: 23,0ha, xã Hà Lương: 9,1ha, xã Gia Điền: 5,9ha, xã Ấm Hạ:14,3ha, xã Hà Lương và Phụ Khánh: 13,11ha) thuộc diện tích của “Báo cáo tìm kiếm thăm dò kaolin vùng tả ngạn sông Hồng, tỉnh Vĩnh Phú”. Kết quả tìm kiếm thăm dò đã xác định được trữ lượng kaolin dưới rây 0,21mm cấp chắc chắn là 168,9 ngàn tấn, cấp triển vọng là 314,8 ngàn tấn, các diện tích cụ thể chưa có số liệu trữ lượng, tài nguyên, nếu khai thác thì phải thăm dò, được hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt làm cơ sở lập dự án đầu tư khai thác. Tại Công văn số 5662/UBND-KTN ngày 12/12/2018, UBND tỉnh Phú Thọ đã xác định các khu vực khoáng sản nêu trên không thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất về nguyên tắc bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020”.

Ý kiến của Bộ Quốc phòng tại Văn bản số 2871/BQP-TM ngày 22/3/2019: “Thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ về việc bổ sung mỏ cao lanh-fenlspat tại các xã Hà Lương, Gia Điền, Ấm Hạ và Phụ Khánh, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; riêng khu vực mỏ thuộc xã Đại Phạm, điều chỉnh phạm vi, ranh giới, mốc giới khu vực mỏ và diện tích từ 23ha xuống 19ha”. Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến này và thống nhất giảm diện tích từ 23ha khu vực thuộc xã Đại Phạm (có vị trí tọa độ kèm theo) xuống còn 19ha, do liên quan đến quốc phòng.

Ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 697/BVHTTDl-KHTC ngày 27/2/2019: “(1) Về vị trí các mỏ cao lanh-felspat tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (tổng diện tích 65,41ha; tọa độ chi tiết theo Công văn số 5662/UBND-KTN ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ) được UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị bổ sung vào quy hoạch: Các khu vực này không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ và cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng; không ảnh hưởng đến các quy hoạch khu, điểm du lịch đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; không ảnh hưởng đến các công trình văn hóa, thể dục thể thao đã có và đã được xác định theo Quy hoạch văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn. (2) Nếu các mỏ cao lanh-felspat trên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch, trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị lưu ý nếu có phát hiện các di chỉ khảo cổ, di vật hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của các di tích, công trình văn hóa, thể dục thể thao và khu du lịch trên địa bàn, cần chủ động báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ để có biện pháp giải quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về du lịch…”.

Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1035/BNN-KH ngày 19/2/2019: “Việc bổ sung mỏ cao lanh-felspat tỉnh Phú Thọ vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản là VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 cần đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản. Theo Văn bản số 5662/UBND-KTN ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản là VLXD ở Việt Nam đến năm 2020, khu vực khai thác có diện tích 65,41ha, chủ yếu trồng bạch đàn, keo và chè, không thuộc đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; không thuộc khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang mục đích khác cần thực hiện theo: Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn; Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tỉnh Phú Thọ. Trong trường hợp diện tích nêu trên có rừng tự nhiên, phải thực hiện theo Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên phạm vi cả nước (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định). Việc thăm dò, khai thác cần đảm bảo tuân thủ theo điểu 12 của Luật Phòng chống thiên tai về các hành vi bị cấm. Đối với diện tích nông nghiệp bị chuyển đổi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần tính toán, đền bù thỏa đáng, tạo sinh kế bảo đảm đời sống cho những người dân bị thu hồi đất sản xuất”.

Theo quy định tại Điều 14 của Luật Khoáng sản và khoản 6 Điều 8 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018: “Việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản trong trường hợp có phát hiện mới về khoáng sản làm ảnh hưởng đến tính chất, nội dung quy hoạch” và “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khoáng sản quyết định điều chỉnh quy hoạch đã phê duyệt”.

Các khu vực mỏ cao lanh-felspat tại các xã Hà Lương, Gia Điền, Ấm Hạ và Phụ Khánh, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ chưa nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD. Việc xem xét điều chỉnh, bổ sung khu vực khoáng sản này vào quy hoạch thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc bổ sung các khu vực khoáng sản vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 3, Điều 78 của Luật khoáng sản: “Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này”.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 40 của Luật khoáng sản:“Giấy phép thăm dò khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp và không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản…”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, các khu vực mỏ cao lanh-felspat tại các xã Hà Lương, Gia Điền, Ấm Hạ và Phụ Khánh, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ đề xuất bổ sung vào quy hoạch là đất rừng sản xuất (chủ yếu trồng bạch đàn, keo và chè), không thuộc đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, không nằm trong khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. 

Thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTG ngày 09/8/2018 của Thủ tướng tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và văn bản hướng dẫn thi hành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ và căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Xây dựng báo cáo và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung khu vực mỏ cao lanh-felspat tại các xã Hà Lương, Gia Điền, Ấm Hạ và Phụ Khánh, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ (tổng diện tích 61,41ha) trong quá trình lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định pháp luật về quy hoạch.

Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Huyền Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load