Thứ sáu 26/04/2024 03:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bí mật ở quần đảo che giấu khối tài sản 1.500 tỷ USD

13:13 | 07/07/2019

Quần đảo British Virgin (BVI) là nơi 400.000 công ty khắp thế giới đặt văn phòng để né thuế. Các doanh nghiệp này sở hữu hơn 1.500 tỷ USD tài sản.

Theo Bloomberg, sẽ chẳng ai nghĩ đến hàng nghìn tỷ USD khi đi dạo quanh Road Town, thủ phủ của quần đảo xứ Caribbean. Trên con phố chật hẹp Main Street, gà qué cạnh tranh làn xe với ôtô. Các hãng luật lập ra và vận hành hàng nghìn công ty ở những tòa nhà tồi tàn, bên cạnh các tiệm làm đẹp rẻ tiền và cửa hàng quần áo.

Nhiều con đường tại đây thậm chí không có tên hay được đánh số. Các doanh nghiệp và 32.000 cư dân BVI sử dụng hộp thư bưu điện (PO box) làm địa chỉ. Do đó, một PO box tại Road Town có thể trở thành địa chỉ của hàng nghìn công ty trên toàn thế giới.


Quang cảnh Road Town thuộc quần đảo British Virgin. Ảnh: Marinas.

Hàng trăm luật sư, nhân viên kế toán và đại diện công ty làm việc ở các tòa nhà trên đảo Tortola. Tại một số thiên đường thuế như Luxembourg, Monaca hay một vài nơi thuộc quần đảo Cayman, sự giàu có hiển hiện rõ.

Nhưng ở BVI, hàng nghìn tỷ USD tài sản lướt qua mà không để lại dấu vết gì.

Cơ sở dữ liệu về 600.000 người

Khi đến Road Town hồi tháng 4, phóng viên Bloomberg tới Tobacco Wharf, một khu nhà bình thường gần Main Road. Đây là nơi một công ty kiểm toán toàn cầu có tên BDO Ltd đặt văn phòng. Phóng viên Bloomberg gặp Ryan Geluk, một kế toán làm việc dưới quyền Neil Smith, Giám đốc Kinh doanh toàn cầu của chính quyền BVI.

Geluk khoe với phóng viên Bloomberg cơ sở dữ liệu BOSS, được BVI xây dựng hồi năm 2017 để theo dõi hoạt động của hàng trăm nghìn công ty đặt văn phòng trên quần đảo. BOSS lưu trữ thông tin chi tiết về 600.000 người sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp các công ty ở BVI.

Ước tính khoảng 30% công ty toàn cầu đăng ký hoạt động tại BVI. Và chỉ 2 nhân viên bí mật thuộc Cơ quan Điều tra Tài chính (FIA) của chính quyền BVI có thể tiếp cận toàn bộ thông tin trong hệ thống BOSS.

Geluk nói BOSS sử dụng mã hóa không thể bị xâm nhập. “Nếu có ai tìm cách truy cập hệ thống từ xa, ví dụ như Triều Tiên, nó sẽ tự động đóng lại”, Geluk khẳng định. Toàn bộ dữ liệu của hệ thống được lưu trữ trong máy chủ ở một quốc gia G7 (không phải là Mỹ).


Cơ sở hạ tầng yếu kém tại thiên đường thuế nghìn tỷ USD. Ảnh:  Bloomberg.

Sự thay đổi đang diễn ra ở BVI dù các chính trị gia và doanh nhân nơi đây không hề muốn. Năm 2018, Quốc hội Anh thông qua luật buộc BVI và 13 Lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh (BOTs) phải minh bạch hóa hoạt động.

Một điểm quan trọng của luật này là mỗi BOTs phải xây dựng một hệ thống như BOSS và công khai nó.

Mây đen bủa vây đảo ‘thiên đường’

Vai trò thiên đường né thuế bị tung hê năm 2016 Vai trò “thiên đường né thuế” của BVI bị công khai hồi năm 2016 khi Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tung lên mạng “Hồ sơ Panama”, bao gồm 11,5 triệu trang tài liệu lấy từ hãng luật Mossack Fonseca, buộc nhiều quốc gia mở các cuộc điều tra chống trốn thuế và rửa tiền. Hơn 50% công ty bị bêu tên trong “Hồ sơ Panama” đăng ký hoạt động tại BVI.

Tài liệu đó cho thấy rõ rằng việc quản lý tài chính ở BVI là cực kỳ lỏng lẻo. Năm ngoái, các điều tra viên của chính quyền BVI chỉ tổ chức kiểm tra 4 công ty tài chính hoạt động trên quần đảo này. Rất nhiều người BVI phủ nhận cáo buộc quần đảo này là một thiên đường né thuế. BVI chống cự quyết liệt làn sóng minh bạch tài chính toàn cầu.

Đi dạo trên đường phố Road Town, sẽ không ai hiểu vì sao người dân địa phương chống lại làn sóng minh bạch. Các công ty đăng ký ở BVI không đóng thuế. Đại gia đến từ nước khác mua đứt nhiều hòn đảo thuộc BVI. Và có rất ít dấu hiệu cho thấy nhà giàu nước ngoài đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế địa phương.


Người dân BVI quyết phản đối các yêu cầu minh bạch. Ảnh: Bloomberg.

Thiệt hại do bão Irma gây ra hồi tháng 9/2017 vẫn còn hiển hiện tại nhiều khu vực ở BVI. Nhưng người dân đảo khẳng định nếu không có ngành công nghiệp tài chính, BVI sẽ còn nghèo hơn thế nhiều. Chi phí thành lập một công ty có ít hơn 50.000 cổ phiếu là 450 USD. Và phí duy trì đăng ký cũng là 450 USD.

Những con số nhỏ bé đó có ý nghĩa to lớn với nền kinh tế BVI. Dịch vụ tài chính đóng góp khoảng 62% vào nguồn thu 372 triệu USD của chính quyền BVI. Và con số này chắc chắn sẽ giảm mạnh nếu BVI đón nhận làn sóng minh bạch.

“Cuộc chiến chống Anh”

Trong vài năm qua, EU đã nhiều lần đe đọa đưa BVI vào sổ đen nếu chính phủ quần đảo không chịu thông qua luật ngăn chặn các tập đoàn toàn cầu né thuế bằng cách chuyển lợi nhuận đến các công ty bình phong tại đây, nơi thuế thu nhập doanh nghiệp gần như bằng 0.

Thủ đoạn chuyển lợi nhuận khiến các nước trên thế giới thiệt hại 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo quy định mới có hiệu lực từ năm 2019, công ty đăng ký tại BVI phải lập văn phòng ở địa phương, có nhân viên và phải có hoạt động tốn chi phí. BVI lập tức bị ảnh hưởng đáng kể. Hàng nghìn công ty đã rút khỏi Road Town. Nhiều người dân địa phương lo ngại phần lớn các công ty sẽ tìm đến thiên đường thuế khác.

Nhưng luật minh bạch của Anh là mối đe dọa lớn nhất. Nó đe dọa vai trò trọng yếu của BVI trong hoạt động che giấu thân phận của chủ sở hữu tài sản, qua đó gây khó khăn cho việc điều tra dòng tiền trong các tranh chấp kinh tế, chiến dịch điều tra trốn thuế và rửa tiền.


Tân Thủ tướng BVI Andrew Fahie. Ảnh: BVI News.

Luật này buộc các BOTs phải công khai cơ sở dữ liệu tài chính vào năm 2020. Tuy nhiên, chính quyền Anh lo ngại các BOTs “nổi loạn” nên cho các lãnh thổ này thêm thời gian, tới năm 2023. Hơn 1.000 người đổ ra đường biểu tình ở Road Town hồi tháng 5/2018 dể phản đối chính phủ Anh.

Phó thủ tướng BVI khi đó là Kedrick Pickering tuyên bố “mở cuộc chiến chống Vương quốc Anh”. Tân Thủ tướng Andrew Fahie thắng cử hồi tháng 2/2019 với chiến dịch kêu gọi trao cho các BOTs quyền phủ quyết luật do Quốc hội Anh thông qua.

Ông Fahie nói rằng BVI sẽ chỉ công khai BOSS nếu quy định này được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới.

Cha đẻ mô hình offshore là ai?

Người sáng tạo ra mô hình “offshore” là luật sư 81 tuổi Michael Riegels, từng học tại Đại học Oxford. Ông chuyển đến BVI vào đầu thập niên 1970 sau khi rời Tanzania. Ở thời điểm đó, Anh và Mỹ có một hiệp ước thuế được áp dụng ở cả BVI.

Nếu một công ty Mỹ được lập ra ở BVI, hiệp ước giảm mức thuế doanh nghiệp này phải chịu từ 30% xuống còn 15%. Cộng với ưu đãi thuế 15% của BVI, mức thuế mà doanh nghiệp này phải chịu chỉ còn là 0%. Luật sư Riegels đã giúp Bob Marley, Cat Stevens và nhiều nhạc sĩ nổi tiếng lập công ty ở BVI để né thuế.


Luật sư 81 tuổi Michael Riegels, cha đẻ mô hình offshore. Ảnh: Bloomberg.

Năm 1981, chính phủ Mỹ công bố báo cáo về các thiên đường thuế, khẳng định hiệp ước với Anh khiến ngân sách nước này thiệt hại hàng trăm triệu USD và quyết định hủy bỏ nó. “Chúng tôi đã rất thất vọng”, luật sư Riegels kể.

Sau đó, luật sư Paul Butler thuộc hãng Shearman & Sterling ở New York đề xuất BVI sửa luật để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Năm luật sư, bao gồm ông Riegels và Tổng chưởng lý BVI Lewis Hunte viết ra luật dựa trên bộ quy định của bang Delaware (Mỹ).

Chính quyền BVI thông qua Luật công ty kinh doanh quốc tế (IBCA) vào năm 1984. Các quần đảo Bahamas và Cayman thông qua luật tương tự sau đó. “Đoàn tàu chuyển bánh nhanh như chớp”, ông Riegels mô tả. “Chỉ trong 2 năm, hàng trăm công ty được lập ra mỗi tháng, vượt xa tất cả những gì chúng tôi mong đợi”.

Nhiều công ty quốc tế đến BVI không chỉ để né thuế mà còn để né các quy định tài chính ngặt nghèo. Nhưng một số chủ công ty có ý đồ mờ ám hơn. Luật sư Riegels còn nhớ một người đàn ông đến văn phòng của ông hồi thập niên 1980, mang theo túi chứa 300.000 USD để mua du thuyền cho một khách hàng.

Sau này, luật sư Riegels phát hiện chiếc du thuyền này bị nhà chức trách Mỹ thu giữ vì bị bọn tội phạm dùng để vận chuyển ma túy. “Khi đọc được tin đó, tôi cảm thấy hối hận. Lẽ ra chúng tôi cần sớm nhận ra rằng hệ thống này sớm muộn cũng bị những kẻ vô đạo đức lợi dụng. Chúng tôi quá ngây thơ khi nghĩ rằng tất cả khách hàng đều là doanh nhân”, ông thừa nhận.

Thời kỳ bùng nổ và scandal

Cuối thập niên 1980, BVI trở thành điểm đến yêu thích của nhiều công ty toàn cầu. Việc Mỹ đưa lực lượng đến Panama năm 1989 buộc nước này phải di dời ngành công nghiệp offshore tới BVI. Cũng ở thời điểm đó, các nhà đầu tư Hong Kong như tỷ phú Lý Gia Thành cũng sử dụng công ty ở BVI để giữ tài sản trước khi Hong Kong được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997.

Đến thập niên 1990, công ty của ông Riegels tiếp đón 1.000 công ty mỗi tháng và đối tượng khách hàng quan trọng nhất là các đại gia Trung Quốc. “Thập niên 1990 là giai đoạn bùng nổ”, ông khẳng định.

Trong vòng 10 năm qua, nhiều vụ scandal xảy ra gây chấn động BVI. Một số quỹ có dính líu tới hoạt động của trùm lừa đảo đa cấp Bernie Madoff đặt trụ sở ở BVI. Một số công ty khác bị phát hiện có liên quan tới vụ lừa đảo thuế 230 triệu USD ở Nga.


Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành cũng từng sử dụng các công ty ở BVI để giữ tài sản trước năm 1997. Ảnh: CNBC.

Năm 2013, ICIJ bắt đầu tung ra các bài báo dựa trên 2,5 triệu trang tài liệu về ngành công nghiệp tài chính offshore. Cuộc điều tra Offshore Leaks cho thấy BVI là địa chỉ ưa thích của các hoạt động trốn thuế và rửa tiền. Từ những kẻ buôn vũ khí cho đến nhà giàu Mỹ và tỷ phú Indonesia đều có công ty ở BVI.

Sau đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) áp dụng hệ thống chia sẻ thông tin tài chính để các nước dễ dàng theo dõi dòng tiền hơn. Và khi vụ “Hồ sơ Panama” bùng nổ, BVI đối mặt với áp lực lớn.

Thậm chí lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn tuyên bố Anh nên trực tiếp quản lý BOTs nếu các vùng lãnh thổ này tiếp tục hỗ trợ né thuế “trên phạm vi công nghiệp”.

Con gà đẻ trứng vàng đang ốm yếu

Chính quyền BVI đối mặt với sức ép phải cứu ngành công nghiệp tài chính trong khi vẫn làm hài lòng các nhà điều tra tài chính toàn cầu. Tháng 6/2017, BIV thực thi luật buộc các công ty phải đưa thông tin về chủ sở hữu vào một cơ sở dữ liệu riêng.

Phần lớn công ty đăng ký tại BVI kể từ năm 2016 phải có người đại diện hợp pháp, có tên tuổi, địa chỉ, thông tin hộ chiếu đầy đủ. Nhà chức trách Anh có quyền tiếp cận các thông tin này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lỗ hổng để các công ty đăng ký ở BVI tiếp tục né thuế.

Khi Quốc hội Anh thông qua luật buộc các BOTs công khai cơ sở dữ liệu tài chính, quần đảo này vẫn còn quằn quại với những hậu quả do bão Irma gây ra. Mục sư nổi tiếng John Cline chỉ trích Anh làm tổn thương nền kinh tế BVI trong thời điểm quần đảo này đang yếu ớt nhất. “Đó là chủ nghĩa thực dân hiện đại”, mục sư Cline mô tả.


Hoạt động thương mại, du lịch còn hạn chế ở BVI. Ảnh: Bloomberg.

Dù vậy mục sư Cline cũng cho rằng BVI quá phụ thuộc vào ngành tài chính, khiến nền kinh tế suy yếu. Lẽ ra quần đảo cần phải đầu tư xây dựng hạ tầng để thu hút du lịch. “Ngành công nghiệp tài chính là con gà đẻ trứng vàng, và con gà giờ đang bệnh nặng”, ông đánh giá.

Thủ tướng Fahie cũng cho biết đang có chiến lược mới để cải tổ BVI. Ông muốn đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào tài chính, đầu tư phát triển du lịch, thậm chí đầu tư vào tiền ảo.

Nhưng tất cả còn khá mơ hồ. “Khi bước vào cuộc chiến, bạn chỉ có 2 lựa chọn. Đó là thắng hoặc thua”, Thủ tướng Fahie thừa nhận.

Theo An Chi/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load