Thứ bảy 20/04/2024 03:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài 3: Cần thận trọng, đánh giá để xây dựng mô hình quản lý trật tự xây dựng đô thị hiệu quả

19:49 | 09/08/2019
 

(Xây dựng) – Từ những ghi nhận tại địa phương, có thể thấy mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc quận, huyện, thị xã tại Hà Nội bước đầu đã mang đến hiệu quả rõ rệt, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cấp. Vì vậy, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng để hết thời gian thí điểm xây dựng một mô hình phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị hiệu quả, giảm thiểu vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội.


KĐT mới Tây Nam Linh Đàm xuất hiện nhiều công trình biệt thự xây dựng sai quy hoạch.

Quyết định 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội đã quy định: “Căn cứ vào yêu cầu quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn cấp xã, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quyết định phân công công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn cấp xã. Công chức được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị”.

Như vậy, số công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn cấp xã thuộc quyền quản lý, chỉ đạo điều hành của Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng và Đội trưởng có quyền phân công, luân chuyển công chức để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn cấp xã không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của UBND cấp xã phường.

Nhưng tại điểm c, Khoản 1, Điều 6 Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND lại quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của UBND cấp xã: “Chỉ đạo, điều hành trực tiếp cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, lập hồ sơ vi phạm về trật tự xây dựng” thì UBND cấp xã, phường cũng có quyền chỉ đạo điều hành trực tiếp đối với công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.

Việc này sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa UBND cấp xã, phường và Đội Quản lý trật tự xây dựng trong trường hợp buông lỏng quản lý, để phát sinh công trình vi phạm về trật tự xây dựng. Một số quan điểm cho rằng, quy định như vậy chưa bám sát tinh thần về cải cách hành chính, chưa quy rõ trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, sau khi kết thúc thí điểm, mô hình mới cần xác định rõ: Nhiệm vụ thực hiện quản lý trật tự xây dựng, thiết lập hồ sơ đối với công trình vi phạm là của Đội Quản lý trật tự xây dựng. Còn thẩm quyền xử lý thuộc ban đầu thuộc UBND cấp xã, phường, với trường hợp vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, phường thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quy trình và thời gian xử lý cũng là vấn đề bất cập được nhiều Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị kiến nghị đến cấp chính quyền xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới.

Đặc biệt, chưa có quy định về biện pháp ngăn chặn cần thiết như thế nào dẫn đến kết quả xử lý đối với các công trình vi phạm về trật tự xây dựng không hiệu quả. Do đó, các công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn gặp khó khăn trong công tác ngăn chặn trong khi chế tài xử phạt bằng tiền theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ chưa đủ sức răn đe đối với chủ đầu tư.

Trước đây, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định rất rõ thời hạn xử lý và các biện pháp ngăn chặn rất rõ ràng, áp dụng thực hiện rất hiệu quả. Nhưng hiện nay các biện pháp ngăn chặn như ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm về trật tự xây dựng không được áp dụng nên công tác đình chỉ, ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm gặp khó khăn, đạt hiệu quả thấp, đặc biệt là các công trình vi phạm xảy ra ở khu vực đô thị.

Trên thực tế, các chủ đầu tư thường cố tình, bất chấp pháp luật để vi phạm về trật tự xây dựng nhưng chế tài xử lý còn lỏng, “nhẹ tay”, các biện pháp ngăn chặn không rõ ràng nên việc quy định trách nhiệm của chủ đầu tư và chế tài buộc chủ đầu tư chấp hành, thực hiện là rất hạn chế, tính khả thi không cao.

Một số biện pháp được các Đội Quản lý trật tự xây dựng đề ra như: Đình chỉ thi công công trình xây dựng với công trình vi phạm. Đối với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát có thể tước giấy phép hành nghề và tước chứng chỉ hành nghề đối với các tổ chức cá nhân thực hiện thi công, giám sát nếu tổ chức thi công ở các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ngoài ra nên nâng mức xử phạt bằng tiền…

Những kiến nghị ở các địa phương là minh chứng cho thấy mô hình thí điểm 2 năm hiện nay còn điểm chưa phù hợp với thực tiễn, do đó các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa để tìm ra mô hình hợp lý hơn. Nên chăng, đó phải là một mô hình quy định rõ vị trí pháp lý và đảm bảo chế độ, chính sách đãi ngộ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị. Đặc biệt, cần xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh để chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan tại các thành phố, đô thị lớn.

Ánh Dương – Hồng Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load