Thứ sáu 19/04/2024 04:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bài 2: Hà Nội lạ mà quen trong những chuyển động không ngừng

14:55 | 11/07/2019

Hai thập kỷ qua là giai đoạn chứng kiến những đổi thay quan trọng của Hà Nội trên mọi mặt: từ diện tích, dân số đến sự tăng trưởng kinh tế, thế mạnh quốc phòng, an ninh, sự đa dạng về sắc màu văn hóa.


Một góc Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hà Nội gắn với nhiều ký ức buồn trong cuộc đời nhưng chưa khi nào “Em bé Hà Nội” Lan Hương có ý định “dứt áo ra đi.” Chị bảo, lý do không đến từ việc ngại đổi thay, ngại bắt đầu một hành trình mới.

“Luôn có một sức hút vô hình níu chân tôi lại, khiến tôi không thể rời bỏ thành phố này - nơi tôi được ‘cháy’ hết mình với tất cả đam mê trong nghệ thuật và cả những ngang ngạnh, bướng bỉnh trong đời sống. Kể cả trong những quãng thời gian sầu tủi nhất, tôi cũng chỉ ‘trốn biệt’ đi đâu đó một thời gian, để rồi lại quay về chốn cũ dẫu rằng, theo thời gian, Hà Nội đã có quá nhiều đổi thay và có lúc, tôi thảng thốt không nhận ra những con đường, ngõ phố quen thuộc trước kia: chợ Âm phủ năm nào giờ đã là không gian phố sách, bách hóa Tràng Tiền đã trở thành trung tâm thương mại bề thế…,” nghệ sỹ trải lòng.

Hai thập kỷ vừa qua chưa phải là một chặng đường dài so với lịch sử hơn 1.000 năm của Thăng Long-Hà Nội. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn chứng kiến những đổi thay quan trọng của Hà Nội trên mọi mặt: từ diện tích, dân số đến sự tăng trưởng kinh tế, thế mạnh về quốc phòng, an ninh, sự đa dạng về sắc màu văn hóa…

Theo ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, về cơ bản, trong quá trình phát triển, Hà Nội đã khắc phục được hậu quả của chiến tranh để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước với những điểm nhấn, thành tựu ấn tượng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã và đang thực hiện khá hiệu quả những chính sách hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.


Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phát triển để xứng đáng với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình." (Ảnh: Thanh Tùng)

Quyết định đột phá

Dòng chảy lịch sử của Hà Nội mang theo những câu chuyện của của sự gặp gỡ Á-Âu. Năm 1010, vua Lý Công Uẩn chọn Thăng Long - mảnh đất với thế “rồng bay” làm kinh đô của cả nước. Từ đó, qua những triều đại phong kiến nối tiếp nhau, nơi này đã trở thành một địa danh với nhiều trầm tích văn hóa.

Hà Nội gói trọn trong mình sự ồn ào, náo nhiệt bên cạnh vẻ tiện nghi, hiện đại. Thế nhưng, không phải vì vậy mà Hà thành mất đi vẻ tĩnh lặng với những nét cổ kính. Đó là nơi Đông-Tây hội ngộ, truyền thống và hiện đại đan xen.

Đã từng có thời kỳ, đây là thủ phủ của toàn cõi Đông Dương. Địa danh Hà Nội gắn với 36 phố phường. Giai đoạn này mang đến và để lại cho Hà Nội những công trình kiến trúc độc đáo.

Giờ đây, bên cạnh những đình làng, đền, chùa, miếu mạo truyền thống hay Hoàng thành Thăng Long bề thế (minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng) và Văn Miếu-Quốc Tử Giám tôn nghiêm (biểu tượng của truyền thống tôn sư trọng đạo), những công trình ấy (Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp…) đã trở thành di sản của một Thủ đô vì hòa bình.

Năm 2008, trước yêu cầu nâng tầm vị thế của Thủ đô, Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính (với quy mô diện tích từ 924 km2 lên 3.344 km2). Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg (ngày 20/6/1998) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020; trong đó ưu tiên cho đầu tư phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng. Tại đây, hình thành một Hà Nội mới, gồm các khu vực Bắc Thăng Long-Vân Trì, Đông Anh-Cổ Loa, Gia Lâm-Sài Đồng-Yên Viên và tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư phát triển tại khu vực Nam Thăng Long.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên kiến trúc sư trưởng của thành phố Hà Nội, đó là một bước đột phá so với những quy hoạch lần trước. Quá trình đô thị hóa của Hà Nội được chú trọng mở rộng sang phía Bắc sông Hồng, đã tạo nên nền tảng cho sự hình thành, phát triển các quận mới (như Long Biên), kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa những kinh đô trong quá khứ (Cổ Loa, Đông Anh) với khu vực trung tâm Ba Đình hiện tại.


Hà Nội là nơi Đông-Tây hội ngộ, truyền thống và hiện đại đan xen. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện nay, Hà Nội trở thành một chùm đô thị với một đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn và Phú Xuyên.

Cùng với đó, quy mô dân số của Hà Nội cũng không ngừng mở rộng. Vào thời điểm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình,” dân số Hà Nội khoảng 2,5 triệu người, đến nay, dân số tăng gấp 3 lần.

Theo ông Michael Croft, tuy phải đối mặt với nhiều thách thức của quá trình đô thị hóa (như việc cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, quản lý chất thải…) nhưng Hà Nội vẫn luôn tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách, bạn bè quốc tế về vẻ thanh bình, sự thân thiện và hiếu khách.

Hình ảnh các nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia khi đến thăm Hà Nội, hòa mình vào nhịp sống thường nhật của nơi này là minh chứng sinh động cho điều đó: Thủ tướng Australia John Howard chạy bộ buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm trong dịp tới Hà Nội tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006; Tổng thống Pháp Francois Hollande đi bộ dạo quanh khu phố cổ Hà Nội, vui vẻ bắt tay người dân nơi này trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016; Tổng thống Mỹ Barack Obama thích thú thưởng thức bún chả tại một quán bình dân trong chuyến công du Việt Nam năm 2016; Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree cùng với phu quân hào hứng tập thể dục buổi sáng tại bờ hồ Hoàn Kiếm cùng người dân Hà Nội…

Điểm hẹn văn hóa, sáng tạo

Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch chung, nhiều sáng kiến đã được triển khai trong thời gian qua để đưa Hà Nội trở thành điểm hẹn văn hóa, sáng tạo.

Trong hành trình khám phá sự chuyển mình của Hà Nội, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố sách 19-12… là những địa điểm khó có thể bỏ qua.

Phố sách Hà Nội (chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2017) được xây dựng tại phố 19-12 - nơi từng là chợ Âm phủ, một địa danh gắn với lịch sử hào hùng của Thủ đô những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Thời Pháp thuộc, tên phố được đặt theo tên một viên quan người Pháp từng giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ (1909-1912) - Rue Simoni.

Từng có thời kỳ, đây là ngôi mộ tập thể - nơi chôn cất thi hài quân dân Hà Nội hy sinh trong ngày 19/12/1946. Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), chính quyền Thành phố Hà Nội đã cho xây dựng tường bao quanh khu vực này và gắn biển: “Nơi chôn cất đồng bào Thủ đô hy sinh trong ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.” Tới năm 1986, di cốt các nạn nhân được di chuyển tới nơi khác. Một khu chợ đặt trên mảnh đất này được đặt tên là chợ 19-12. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là chợ Âm phủ.

Khu chợ với tên gọi đặc biệt ấy tồn tại cho tới cuối năm 2008. Sau đó, con phố này có chức năng chủ yếu là khu vực trông giữ xe. “Chính bởi vậy, việc biến con phố này thành phố sách, thiết kế theo không gian phố đi bộ là một việc làm rất ý nghĩa: những kỳ vọng cho tương lai văn hóa đọc được đặt ra trên nền của những câu chuyện quá khứ, lịch sử. Đó không chỉ là nơi tập hợp, mua bán, trao đổi sách như một vài con phố (Nguyễn Xí, Đinh Lễ…) mà còn là điểm gặp gỡ, giao lưu tác giả-bạn đọc, nơi tổ chức các cuộc tọa đàm để giới thiệu những cuốn sách mới, giá trị,” nhà thơ Bằng Việt bày tỏ.


Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trở thành một điểm hẹn văn hóa của Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. “Trước đây, mỗi lần đến khu vực này, chúng ta thấy khá khó khăn để tìm chỗ gửi xe, rồi vừa đi dạo vừa phải chú ý những phương tiện giao thông xung quanh. Giờ đây, cảm giác thư thái, thú vị hơn rất nhiều. Đó là nơi bạn có thể vừa thoải mái đi bộ, thả lỏng cơ thể, hít hà bầu không khí xung quanh, trò chuyện với bạn bè vừa có thể xem biểu diễn nghệ thuật. Đặc biệt, ở đây có khá nhiều du khách nước ngoài, nhóm hoạt động xã hội, tình nguyện. Các bạn nhỏ trong gia đình tôi rất thích trò chuyện với họ để tăng khả năng giao tiếp, trau dồi vốn từ,” chị Thu Hương (ngõ 464 Âu Cơ, Hà Nội) chia sẻ.

Để tăng sức hút cho không gian phố đi bộ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tăng cường nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí: biểu diễn âm nhạc đương đại tại khu vực đồng hồ Thụy Sỹ, khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng, biểu diễn múa rồng tại ngã tư Tràng Tiền-Hàng Khay-Hàng Bài-Đinh Tiên Hoàng và tại trước cửa trung tâm thông tin văn hóa hồ Gươm, các trò chơi dân gian trải dài từ ngã ba Đinh Tiên Hoàng-Trần Nguyên Hãn tới khu vực tượng đài Cảm Tử...

Ngoài ra, tại không gian phố đi bộ còn có nhiều hoạt động do các cá nhân, câu lạc bộ tự biểu diễn hưởng ứng không gian đi bộ như các nghệ sỹ violon đường phố, khiêu vũ người cao tuổi, vẽ truyền thần...

Bên cạnh phố sách, phố đi bộ, nhiều không gian văn hóa nghệ thuật, sáng tạo khác cũng xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên gần gũi hơn với người dân, du khách; tiêu biểu như không gian Manzi (số 14 Phan Huy Ích, quận Hoàn Kiếm), không gian Chula (số 396 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ), không gian Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng) hay Vicas Art Studio (số 32 Hào Nam, quận Đống Đa)…

Đó là nơi những câu chuyện văn hóa được nối dài, không gian cho những thể nghiệm mới, táo bạo của giới trẻ…

“Chuyện xẩm” được những bậc thầy về cổ nhạc ở Việt Nam kể lại trong không gian Manzi. Giữa không gian ấm cúng của một tư gia ở khu phố trung tâm Hà Nội, không có âm thanh phụ trợ, không trang hoàng lộng lẫy, chỉ với manh chiếu cùng trang phục quần nâu, áo vải, khăn mỏ quạ,... nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoài và nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch đã tái hiện lại sinh động đời sống và cái hồn cốt của nghệ thuật xẩm bằng chất giọng và những ngón đàn điêu luyện của mình.

Tại Vicas Art Studio, công chúng sẽ ít gặp những cái tên quen thuộc trong “làng” hội họa đương đại. Thay vào đó, Vicas Art Studio thường giới thiệu tới người xem những gương mặt mới, triển vọng, những xu hướng nghệ thuật mới trên thế giới (về nghệ thuật thị giác, video art và âm nhạc…) thông qua những triển lãm: “Miền Tây Bắc,” “Tân biểu hiện,” “Tam tấu”…

Mới đây, vào tháng Tư vừa qua, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội vừa tiến hành thí điểm đục thông vòm cầu số 93 (khu vực góc phố Gầm Cầu nối Hàng Giấy) trong số 127 vòm cầu đá nối từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên. Đây là sự khởi đầu cho việc triển khai đề án Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, 127/131 vòm cầu đang bít kín sẽ được đục thông trở lại để phục vụ các mục đích bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ.

Những vòm cầu này, sau khi được đục thông, gia cố bảo đảm các điều kiện, sẽ được khai thác thành các không gian giới thiệu, quảng bá văn hóa nghệ thuật, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống… Điều này vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, vừa phù hợp với nhu cầu phát triển chung. Dự kiến, không gian vòm cầu 93 dự kiến sẽ dành cho việc giới thiệu, tôn vinh ẩm thực phố cổ.

Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đề xuất khu vực này sau khi hoàn thành sẽ triển khai thành tuyến phố đi bộ, kết nối phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân, không gian bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội với phố bích họa Phùng Hưng. Khi đó, giá trị văn hóa của khu phố cổ Hà Nội không chỉ được bảo tồn mà sẽ tạo ra điểm đến mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.


Toàn cảnh phố bích họa Phùng Hưng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), những không gian như vậy góp phần tạo ra bản sắc cho thành phố, tạo sự hấp dẫn, truyền cảm hứng sáng tạo và sự chia sẻ. Đây cũng là một trong những cơ sở để Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, trở thành thành phố sáng tạo, hướng tới có vị trí quan trọng trong khu vực và châu Á.

Theo An Ngọc (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load