Thứ sáu 26/04/2024 01:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Giang nỗ lực hướng tới chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

17:23 | 30/11/2019

Toàn tình Bắc Giang hiện có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, lũy kế số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới từ 2016 đến năm 2019 ước đạt 114 xã.

Bắc Giang nỗ lực hướng tới chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Các con đường của thôn Đông Thượng hôm nay đã được bê tông cứng hóa sạch sẽ, thoáng rộng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về Bắc Giang hôm nay không chỉ cảm thấy cái thơ, cái tình của vùng Kinh Bắc với những làn điệu quan họ cổ mà còn ánh lên những sức sống mới từ việc triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Kinh tế Bắc Giang thêm vững chắc từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, trực tiếp do Ngân hàng Chính sách xã hội vun đắp qua nhiều năm, góp sức bền phát triển cho từng tế bào kinh tế nhỏ nhất và yếu thế nhất của tỉnh là người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Bước chuyển ngoạn mục

Theo chân đoàn giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng làm trưởng đoàn, chúng tôi về thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Đi trên con đường được bê tông cứng hóa thoáng rộng, sạch sẽ song ít có ai biết rằng chỉ cách đây chưa đầy chục năm, đây con đường đất bụi gồ ghề, gặp phải ngày mưa thì trơn lầy lội dẫn tới một xã miền núi có địa hình khá phức tạp, ruộng đồng chiêm trũng. Với hai điểm tựa phát triển kinh tế là lúa và nghề mộc truyền thống, thôn Đông Thượng đang phấn đấu cán đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019.

Không khí hướng tới đích nông thôn mới không chỉ có ở Đông Thượng mà trên toàn bộ thôn, xóm trong xã, sau thành quả Lãng Sơn cán đích nông thôn mới năm 2017.

Ông Nguyễn Đức Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lãng Sơn cho biết khi Nhà nước chưa phát động Chương trình xây dựng nông thôn mới thì hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế còn rất khó khăn, việc làm của con em địa phương chưa có, thu nhập bình quân đầu người thấp. Chính bởi vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Dũng là điểm tựa giúp người dân xã Lãng Sơn xây dựng nông thôn mới.

Sau việc dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xây dựng mô hình sản xuất lúa tập trung tại các thôn: Mỹ Tượng, Sơn Thịnh, Tân Mỹ, Đông Thượng... với các giống lúa chất lượng cao, góp phần nâng thu nhập cho bà con lên tối đa 150 triệu đồng/ha/năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần duy trì nghề mộc truyền thống tạo việc làm ổn định cho cho hàng trăm lao động đưa Lãng Sơn cán đích nông thôn mới vào năm 2017 như kỳ vọng mà huyện Yên Dũng đặt ra.

Cũng từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần: Năm 2017 là 90 hộ, bằng 5,6%. Năm 2018 là 62 hộ, bằng 3,9%. Năm 2019 là 43 hộ, bằng 2,7%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng mạnh với năm 2017 là 28 triệu đồng/người/năm; năm 2018 là 38 triệu đồng/người/năm; năm 2018 là 45 triệu đồng/người/năm.

Chia sẻ cùng Lãng Sơn trên con đường xây dựng nông thôn mới, ngay trong đợt khảo sát, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã đồng ý bố trí thêm nguồn vốn để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Đây sẽ là những động lực giúp Lãng Sơn cán đích xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020 với kỳ vọng thu nhập bình quân 55-70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 2%...

Bắc Giang nỗ lực hướng tới chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Đoàn công tác làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Góp sức bền phát triển kinh tế địa phương

Nhìn rộng ra toàn tỉnh Bắc Giang, chỉ tính riêng 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay đã có 178.200 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 158.450 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 5.200 lao động được tạo việc làm; đầu tư xây dựng trên 50.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trợ giúp gần 1.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ...

Theo ước tính của Ủy ban Nhân dân tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Giang năm 2019 giảm 2,24% so với năm 2018, ước giảm còn 5,05%, vượt kế hoạch 0,24%. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn năm 2019 ước giảm còn 22,61% (giảm 9,55% so với năm 2018), vượt kế hoạch 5,55% (kế hoạch giảm bình quân 4%/năm).

Hiện, vốn tín dụng chính sách được triển khai trên tất cả 230 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 255 điểm giao dịch xã/230 xã, trở thành một động lực giúp Bắc Giang ước đạt 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, lũy kế số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới từ 2016 đến năm 2019 ước đạt 114 xã.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, cùng với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh Bắc Giang cũng đang tập trung nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng vốn giải ngân đạt 261.745/562.185 triệu đồng. Đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, với việc thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Một số sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tập thể, mẫu mã đẹp, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, được thị trường và nhiều người tiêu dùng biết đến như: Mỳ gạo Chũ, vải thiều, chè xanh bản Ven, gà đồi Yên Thế, Trà Hoa vàng, rượu Vân, mật ong rừng Tây Yên Tử, nấm Lim xanh và một số sản phẩm rau củ quả..., góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản của các địa phương.

Những nền tảng đã đạt được là cơ sở để Bắc Giang hướng tới tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và xa hơn nữa cho giai đoạn 2021-2030 là hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao. Cùng với những nỗ lực của riêng tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lê Ánh Dương đề nghị Trung ương sớm xây dựng danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 cho các địa phương; Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm xây dựng tiêu chí huyện nghèo 30a, xã nghèo trong giai đoạn mới và ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025…

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, bố trí nguồn vốn hợp lý cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu con đường xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, đơn vị này bố trí ngay 20 tỷ đồng để tỉnh thực hiện cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bắc Giang trong việc cân đối, ưu tiên dành ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 119 tỷ đồng để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tuy nhiên so với nhu cầu của tỉnh vẫn còn thấp, do vậy ông Thắng đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm hơn nữa đến nguồn vốn mới, bởi với số hộ chính sách hiện tại, tỷ lệ nguồn vốn từ ngân sách địa phương còn thấp (chiếm 2,7% tổng nguồn vốn)./.

Theo Việt Hải (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load