Thứ năm 28/03/2024 17:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ám ảnh ngập lụt

14:17 | 09/07/2019

(Xây dựng) - Khả năng chống chịu với những ảnh hưởng của thời tiết cực đoan của các đô thị ở Việt Nam đều đang ở mức rất thấp. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, cập nhật thông tin về khí tượng thủy văn để tích hợp trong xây dựng các quy hoạch đô thị ít được quan tâm, hoặc chỉ trong ngắn hạn, nên nhanh chóng lạc hậu và không thể chống đỡ nổi trước thiên tai ngày một khắc nghiệt.

 
Ảnh minh họa. Nguồn: Baotainguyenmoitruong.vn.

Các số liệu thống kê cho thấy, tại Thủ đô Hà Nội, với những trận mưa có lưu lượng khoảng trên 50mm sẽ xảy ra ngập úng tại 18 điểm trên các trục đường giao thông quan trọng và 170 điểm nhỏ ở các ngõ xóm. TP.HCM còn 40 điểm ngập lớn do mưa và 9 điểm ngập do triều cường ở những tuyến đường lớn, cùng với khoảng 170 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm. Trong khi đó, TP Cần Thơ có 107 điểm ngập độ sâu đến 0,65m; TP Đà Nẵng còn khoảng 50 điểm ngập.

Theo các chuyên gia khí tượng, không chỉ mùa mưa bão 2019 có diễn biến khó lường mà những năm tới, do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán. Những kỷ lục mới vẫn được thiết lập mỗi năm và cụm từ “thiên tai kỷ lục” sẽ xuất hiện ngày càng phổ biến, đặc biệt là về nhiệt độ và lượng mưa. Mưa cực đoan xuất hiện nhiều hơn và trở thành áp lực cho hệ thống thoát nước đô thị vốn còn nhiều bất cập. Số cơn bão có sức gió mạnh cấp 12 trở lên tăng lên, kèm theo các tai biến thiên tai cũng ngày càng khốc liệt như lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Thực tế cho thấy, hệ thống thoát nước tại các đô thị trên cả nước hiện nay chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Nước thải sinh hoạt cùng nước mưa được xả trực tiếp ra các cống, kênh rạch vào các sông chính của lưu vực. Trong khi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng hay cải tạo ở quy mô lớn, đa phần là phát triển một cách cục bộ, dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, giảm khả năng thoát nước.

Một số khu đô thị mới, đặc biệt tại các TP lớn đã tiến hành đầu tư hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải theo các quy hoạch được phê duyệt nhưng chủ yếu mang tính cục bộ, chưa có sự gắn kết với hệ thống thoát nước tổng thể của đô thị.

Hệ thống thoát nước đô thị nói chung hiện còn thiếu, nhiều tuyến đường giao thông chưa có cống thoát nước. Mạng lưới cống đã được xây dựng từ rất lâu cùng với sự hình thành và phát triển của các đô thị, nhưng việc quản lý duy tu bảo dưỡng hạn chế. Nhiều đoạn cống hiện đã xuống cấp, vỡ, bị bồi lấp hoàn toàn, không đủ năng lực thoát nước, ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới cống trong khu vực. Cửa thu nước tại một số khu vực không phát huy tối đa năng lực thoát nước do đã bị người dân đậy lại. Đây có thể xem là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng đọng nước cục bộ trên mặt đường. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước còn phổ biến gây cản trở dòng chảy, giảm tiết diện thoát nước trong cống.

Một vấn đề mới nổi đặt ra với các TP, đó là việc đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đã ít nhiều làm suy giảm hành lang thoát lũ. Các khu vực trước đây là vùng ngập lũ, hành lang thoát lũ nay trở thành các khu đô thị mới, được san lấp với cao độ vượt lũ. Các khu đô thị được quy hoạch lấn sát ra bờ sông, bờ biển cũng làm biến đổi dòng chảy và ảnh hưởng đến sự lưu thoát của dòng chảy.

Những vấn đề kể trên cộng với thời tiết biến đổi cực đoan đang nhân lên mối lo ngập lụt đối với nhiều đô thị ở Việt Nam.

Vy Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load