Thứ tư 24/04/2024 17:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

96% dân số không hài lòng với chất lượng không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

22:48 | 19/10/2019

(Xây dựng) – Chỉ khoảng 4% người dân sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hài lòng về chất lượng không khí tại đây, đó là số liệu theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng ( Ảnh: Internet).

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng

Tháng 9/2019, tổ chức Airvisual xếp Thủ đô Việt Nam vào top những thành phố lớn có chỉ số ô nhiễm không khí tức thời cao nhất thế giới trong nhiều ngày liên tiếp.

Trước đó, Báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu năm 2018 do Greenpeace Đông Nam Á và IQAir phối hợp công bố vào tháng 3/2019 cũng xếp Hà Nội đứng thứ 2 và TP Hồ Chí Minh đứng thứ 15 trong số các thành phố có mức độ ô nhiễm bụi mịn tồi tệ nhất khu vực Đông Nam Á.

Các hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Hữu Mạnh).

Tuy nhiên, cả lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều cho rằng, thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi mịn đứng thứ 2 Đông Nam Á là chưa khách quan, chưa phản ánh đúng thực trạng và những thông tin đánh giá về chất lượng không khí trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo.

Hiện tại, nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí ở hai thành phố cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền công bố rõ ràng dựa trên các dữ liệu khoa học mang tính cập nhật.

Trên 90% dân số lo ngại về giải pháp giải quyết ô nhiễm không khí

Trung tâm sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) mới công bố Nghiên cứu cảm nhận của người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về ô nhiễm không khí.

Nghiên cứu được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp với 1.000 người dân ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đa số nằm trong độ tuổi từ 14-30. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 14/5/2019 đến ngày 27/8/2019 với số lượng người được phỏng vấn tại 2 thành phố tương đương nhau.

Kết quả báo cáo cho thấy, chỉ có 1% người dân sống tại Hà Nội và 2,8% người dân sống tại TP Hồ Chí Minh cảm thấy hài lòng với chất lượng không khí ở 2 thành phố này vào thời điểm hiện tại. Ngược lại, khoảng 66,4% người tham gia khảo sát tại Hà Nội không hài lòng với chất lượng không khí tại đây và con số này đối với TP Hồ Chí Minh là 58%.

77% người dân Hà Nội và 67,2% người dân TP Hồ Chí Minh nhận định, chất lượng không khí của thành phố càng ngày càng xấu so với 3 năm trước đây.

Các hoạt động xây dựng cũng khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thêm trầm trọng (Ảnh: Hữu Mạnh).

Người dân cũng đánh giá các biện pháp giải quyết ô nhiễm không khí hiện nay là chưa đủ. Chỉ có 2,2% số người tham gia khảo sát Hà Nội và 3,8% người dân tại TP Hồ Chí Minh hài lòng với các biện pháp giải quyết ô nhiễm không khí hiện nay. Trong khi đó, hơn 90% người dân mong muốn chính quyền tăng cường thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.

Bàn về nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, đa số người dân đều “đổ tội” cho các hoạt động giao thông, đốt rác thải, xây dựng hay sản xuất công nghiệp. Trong đó, hoạt động giao thông được nhận định là nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu theo ý kiến của 86,4% người dân Hà Nội và 83,2% người dân TP Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân khí và chất thải từ các nhà máy điện than cũng được người dân lựa chọn rất nhiều. Điều này cho thấy, đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của người dân tại 2 thành phố.

Người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực sự đang cảm thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ở các mức độ khác nhau. Ảnh hưởng trực tiếp và dễ nhận thấy nhất của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ của người dân là họ cảm thấy mệt mỏi, ngứa, rát mắt/mũi/họng, đau đầu, khó thở và gặp các vấn đề về da. Chỉ có 1% người dân ở Hà Nội và 2% người dân ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, ô nhiễm không khí không ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Nhận thức được tình trạng ô nhiễm tại nơi sinh sống, nhiều người dân đã thực hiện một số biện pháp thông thường để tự bảo vệ bản thân như lau chùi nhà cửa, sử dụng khẩu trang, hạn chế hoạt động ngoài trời, sử dụng máy lọc không khí, trồng cây xanh... Tuy nhiên, số người sử dụng khẩu trang chống được bụi mịn PM 2.5 và sử dụng máy lọc không khí còn thấp, không quá 27% ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Về lâu dài, người dân mong muốn các cơ quan chức năng sẽ thực hiện những biện pháp mạnh để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí, trước hết là tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu như phát thải trong hoạt động giao thông, ban hành đạo luật về không khí sạch để có các hành động pháp lý mạnh mẽ hơn chống ô nhiễm không khí, tăng thuế đối với các hoạt động gây ô nhiễm không khí và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện than.

Giải pháp nào cho ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh?

Trên cơ sở kết quả khảo sát, MDI có đưa ra một số giải pháp đối phó và giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong ngắn hạn và lâu dài.

Người dân nên chủ động theo dõi chất lượng không khí để quyết định các hoạt động ngoài trời; sử dụng khẩu trang chống bụi mịn PM 2.5; hạn chế sử dụng túi nilon, than tổ ong và các nguồn gây ô nhiễm không khí khác; Ưu tiên đi xe đạp, đi bộ và sử dụng các phương tiện công cộng đạt chuẩn phát thải; Tăng cường trồng và bảo vệ cây xanh...

Người dân được khuyến cáo sử dụng khẩu trang chống bụi mịn PM 2.5 khi ra đường (Ảnh: Internet).

Về lâu dài, MDI khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên xây dựng một kế hoạch tổng thể quản lý chất lượng không khí; xây dựng và quản lý hệ thống đo lường ô nhiễm không khí; Xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu về thực trạng ô nhiễm không khí; Lập hệ thống cảnh báo sớm cho người dân; Tích cực hợp tác quốc tế để giải quyết ô nhiễm không khí xuyên biên giới; Ban hành, sửa đổi luật và các quy định liên quan nhằm chống ô nhiễm không khí; Kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp...

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load