Thứ bảy 20/04/2024 05:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

10 cây cầu gắn liền với niềm tự hào của người Việt Nam

16:54 | 15/01/2015

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Việt Nam từ lâu đã sở hữu rất nhiều cây cầu độc đáo và thú vị đi cùng với nhiều giá trị lịch sử. Dưới đây là danh sách 10 cây cầu gắn liền với niềm tự hào của người Việt Nam.

1. Cầu Nhật Tân - Cầu dây văng lớn nhất Việt Nam

Dự án cầu Nhật Tân, Hà Nội có tổng chiều dài 8,3 km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7 km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5 km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp.

Mỗi nhịp cầu có 11 đôi dây văng chịu tải. Với yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, cầu Nhật Tân được thiết kế và xây dựng để trở thành một biểu tượng mới của Thủ đô với 5 nhịp tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.

Được khởi công xây dựng vào năm 2009 và thông xe vào ngày 4/1/2015, với tổng giá trị đầu tư lên đến 14.000 tỷ đồng, phải mất 6 năm cầu Nhật Tân mới chính thức được đưa vào khai thác.

2. Cầu Rồng - Cầu đạt nhiều giải thưởng nhất Việt Nam

Đây là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn, được đưa vào sử dụng ngày 29/3/2013. Cầu có chiều dài 666 m, gồm 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng và được đánh giá là điểm nhấn của du lịch Đà Nẵng. Cây cầu cũng được thành phố Đà Nẵng đăng ký kỷ lục Guinness "Con rồng thép dài nhất".

Cầu Rồng được giải thưởng quốc tế FX Design Awards 2013 và Lighting Design Awards 2014 bầu chọn vào danh sách các công trình thiết kế chiếu sáng xuất sắc thế giới. Tại lễ trao Giải thưởng kỹ thuật xuất sắc Engineering Exellence Award (EEA) diễn ra tại Mỹ, cầu Rồng của Việt Nam được xướng tên nhận giải thưởng lớn (Grand Award) cùng 7 công trình và dự án của nước Mỹ và các quốc gia khác.

Khác với bất kỳ cây cầu nào trên thế giới, cầu Rồng với thiết kế độc đáo mô phỏng hình dáng 1 con rồng đang uốn lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông. Cầu Rồng nổi bật trên nền sông Hàn với màu vàng rực rỡ, đầu rồng ngẩng cao hướng thẳng ra biển, như khẳng định hình ảnh một thành phố năng động, tràn đầy sức sống...

3. Cầu Phú Mỹ - Cầu dây văng lớn nhất Sài Gòn

Là cây cầu dây văng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối Quận 2 và Quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng, cầu được khởi công ngày 9 tháng 9 năm 2005 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2009. Tuy nhiên, công trình đã vượt tiến độ đến 4 tháng và khánh thành vào ngày 2/9/2009.

Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Hiện đại nhất ở đây là phần kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế.

4. Cầu Bãi Cháy - Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên

Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, có chiều dài là 903m, chiều rộng 25,3m, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là cây cầu có kết cấu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của nước ta. Đồng thời, cầu Bãi Cháy cũng lập kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính (435m).

Cầu được thiết kế và điều hành xây dựng bởi các nhà thầu Nhật Bản. Tối 24/12/2014, cầu Bãi Cháy - "cây đàn" Hạ Long chính thức khoác lên mình bộ áo mới được tạo ra từ hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại của một doanh nghiệp dành tặng cho TP Hạ Long.

Được thiết kế bởi 8.888 bóng đèn với 16 triệu màu sắc, hệ thống chiếu sáng được lập trình với các kịch bản khác nhau, không có sự trùng lặp.

5. Cầu Cần Thơ - Cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á

Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á, dài 550m.

Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km (bao gồm: phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 5,41km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km; phần đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ dài 7,69km).

Quy mô mặt cắt ngang cầu có chiều rộng 23,1m (bao gồm: bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề rộng 2,75m). Độ tĩnh không thông thuyền cao là 39m (với chiều rộng tĩnh không thông thuyền ngang tương ứng là 200m) đảm bảo cho tàu có trọng tải 10.000 DWT lưu thông qua lại.

6. Cầu Thị Nại - Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội). Công trình xây dựng cầu Thị Nại được khởi công vào tháng 11 năm 2002 và hoàn thành vào ngày 12 tháng 12 năm 2006.

Tổng số vốn đầu tư cho xây dựng công trình là 582 tỷ đồng. Phần chính của cầu dài 2.477,3 m, rộng 14,5 m. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 m. Tính cả phần hệ thống đường gom, cầu dài 6960 m với 5 cầu ngắn. Cầu chịu xe trọng tải 30 tấn và xe bánh xích trọng tải 80 tấn.

7. Cầu Long Biên - Cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Cầu dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa.

Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Để tiến hành xây dựng cầu, người ta phải tuyển mộ hơn 3.000 công nhân bản xứ và một đội ngũ khoản 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp để điều hành công việc. Người ta đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại (5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì).

Tổng số tiền thực chi lên tới 6.200.000 franc Pháp. Cầu Long Biên đến nay đã hơn 100 năm tuổi, trải qua nhiều biến cố thăng trầm nên mang nhiều giá trị lịch sử, không chỉ riêng Hà Nội mà còn đối với người dân Việt Nam.

8. Cầu Mỹ Thuận - Cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam

Cầu Mỹ Thuận được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam.

Cầu được khởi dựng ngày 6/7/1997, khánh thành ngày 21/5/2000. Tổng chiều dài của cầu là 1.535 m, hai cầu dẫn mỗi bên 11 nhịp, mỗi nhịp 40 m. Chiều dài phần cầu chính là 650 m, chia thành 3 nhịp, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 150 m, nhịp giữa dài 350 m. Độ cao thông thuyền là 37,5 m. Mặt cầu rộng 23,6 m chia thành 4 làn xe cơ giới ở giữa và hai làn cho người đi bộ và xe thô sơ hai bên.

9. Cầu Rạch Miễu - Cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam thiết kế và thi công

Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền, cách bến phà hiện hữu khoảng 1 km về phía thượng lưu. Đây là chiếc cầu dây văng lớn thứ ba được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long (cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế và thi công, cầu Cần Thơ do Nhật thiết kế và thi công) và Rạch Miễu là cây cầu đầu tiên do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới.

Cầu dài 8331 m kể cả đường nối hai đầu cầu. Hai đoạn đường nối hai đầu có tổng chiều dài 5.463m và 2 cầu chính có tổng chiều dài 2.868m bắc qua 2 nhánh sông Tiền Giang và cồn Thới Sơn.

10. Cầu Sông Hàn - Cầu quay đầu tiên của Việt Nam

Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Cầu được khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1998, khánh thành ngày 29 tháng 3 năm 2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.

Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 02 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

Hằng ngày, vào khoảng 1 giờ khuya, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông Hàn để mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ cầu sẽ quay trở lại như cũ.

Theo Phương Thảo/ Gia đình Việt Nam

Theo

Cùng chuyên mục
  • Vĩnh Phúc: Ban hành quy định quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành quy định một số nội dung liên quan đến công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh.

  • Bài 3: Quy hoạch đô thị - Cần bảo tồn, phát huy, phát triển những đô thị di sản

    (Xây dựng) – “Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tỷ lệ đô thị hóa cao, vị trí gần Thủ đô Hà Nội cùng sức hút từ Vùng Thủ đô, Bắc Ninh sẽ có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp và trở thành một trong những đô thị mạnh nhất trong Vùng Thủ đô với 2 tính chất nổi trội là “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp” – Đó là chia sẻ của PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

  • Phát triển đô thị Hải Phòng hiện đại, văn minh, đáng sống

    (Xây dựng) – Hai đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tiền đề để thành phố Hải Phòng hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững.

  • Hải Dương: Xây dựng đô thị mang bản sắc, đặc trưng riêng

    (Xây dựng) - Trong các ý tưởng quy hoạch đô thị ở Hải Dương, việc xây dựng các đô thị mang màu sắc, đặc trưng riêng đã được cơ quan chuyên môn quan tâm, trở thành định hướng chủ đạo trong thời gian tới.

  • Hà Nội: Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, ngày 15/4, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.

  • Làm rõ nhiều định hướng phát triển

    Tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan và chuyên gia hội đồng thẩm định, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được cập nhật, hoàn chỉnh vào hồ sơ. Nhiều định hướng phát triển đã tiếp tục được bổ sung, làm rõ hơn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load